Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp Đức

Thứ ba, 17/05/2016 17:07
(ĐCSVN) - Chiều 16/5, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có buổi gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) với chủ đề "Tình hình kinh tế và phát triển của TP.HCM năm 2016-2017, cơ hội kinh doanh và hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp Đức tại TP.HCM”.


Toàn cảnh buổi gặp gỡ. ( Ảnh: Thanh Vũ) 

Tham dự buổi gặp gỡ có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm;  ông Jens Ruebbert, Chủ tịch GBA và hơn 70 doanh nghiệp Đức hoạt động ở nhiều lĩnh vực…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, mối quan hệ Việt Nam và Đức đang ngày càng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục... Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Do đó, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông đô thị, y tế, giáo dục... TP.HCM luôn chào đón và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến đầu tư và kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp của Đức. Thành phố chú trọng thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng, dịch vụ, phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường...

Ông Jens Ruebbert - Chủ tịch GBA nhấn mạnh, tham dự buổi gặp gỡ lần này, đại diện các doanh nghiệp Đức mong muốn được mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh trong một số lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp ôtô, công nghệ sản xuất-chế tạo, thông tin truyền thông, tài chính, bảo hiểm... Đồng thời khẳng định, với trình độ chuyên môn tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm, doanh nghiệp Đức kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những cơ hội đầu tư, kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, cũng như cả hai quốc gia.

Đức là một trong những đối tác lớn và hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ... Có thể kể đến một số dự án Đức đã và đang triển khai tại Việt Nam như trường Đại học Việt-Đức; xây dựng Nhà máy điện gió Phú Lạc 1 trị giá 35 triệu euro; tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 240 triệu euro hay dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn với 120 triệu euro…

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tính đến cuối tháng 4 năm nay,  TP.HCM có hơn 6.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn cam kết lên đến hơn 40 tỉ đô la Mỹ, trong đó doanh nghiệp Đức có 114 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 200 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 17/75 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào TPHCM./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực