Lễ ra mắt Chương trình Hậu WTO giai đoạn II và Ký thỏa thuận đồng tài trợ

Thứ tư, 20/01/2010 17:45
(ĐCSVN) - Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam vừa cho biết, hôm nay, Bộ Công thương; Cơ quan phát triển Quốc tế Ốt-trây-li-a (AusAID); Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) đã ký Thỏa thuận đồng tài trợ tiếp tục giúp Việt Nam phát huy những lợi ích của việc tự do hóa thương mại và thực hiện các cam kết sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tham dự Lễ ký có Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Ốt-trây-li-a tại Việt Nam Allaster Cox; Trưởng đại diện Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam Fiona Lappin.

Thỏa thuận nhằm tài trợ cho Giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật “Duy trì sự phát triển bền vững và lợi ích xóa đói giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cam kết WTO” - (tên ngắn gọn: Chương trình Hậu WTO). Theo Thỏa thuận, AusAID sẽ tài trợ 12 triệu đô la Ốt-trây-li-a (tương đương 180 tỷ đồng) và DFID sẽ hỗ trợ 3,4 triệu bảng Anh (tương đương 105 tỷ đồng). Chương trình được thực hiện trong 5 năm (từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2013) cũng sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ngay sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 16/2007/CP-NQ ngày 27/2/2007 ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương với 12 nhóm giải pháp chính sách lớn. Chương trình này đã được khẩn trương triển khai sâu rộng đến các bộ, ngành, địa phương để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi gia nhập WTO. Để triển khai thành công Chương trình hành động này, Việt Nam rất hoan nghênh và đánh giá cao sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế trên tinh thần phối hợp giữa các nhà tài trợ, với quyền chủ động của Chính phủ và sự phối hợp chính sách có hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam.

Giai đoạn I của Chương trình Hậu WTO đã hỗ trợ việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ cũng như chương trình hành động cho các bộ, ngành và địa phương. Giai đoạn này cũng giúp tìm ra các biện pháp cần áp dụng để phát huy tối đa các cơ hội mà WTO mang lại, đồng thời giúp đỡ người nghèo và những nhóm dễ bị tổn thương đang được tham gia hưởng lợi.

Theo Đại sứ Ốt-trây-li-a tại Việt Nam Allaster Cox, những nội dung này rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam có một vị thế có thể phát huy tối đa lợi ích của việc nối lại các dòng chảy thương mại và đầu tư khi cuộc khủng hoảng hiện nay qua. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, để có thể tận dụng được cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở vững chắc để thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn, cũng như tạo ra các chính sách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các bước cải cách trên lĩnh vực thương mại đó cần được nêu rõ trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam.

Trong giai đoạn II, Chương trình Hậu WTO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO và các thỏa thuận khu vực cũng như toàn cầu khác, bao gồm: tăng cường thể chế kinh tế thị trường trên các lĩnh vực như cạnh tranh, cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý đất đai; giúp đỡ khu vực nông thôn đối phó với những tác động của quá trình hội nhập kinh tế thông qua nghiên cứu và phân tích các cơ hội thị trường mới để giúp cho công tác hoạch định chính sách; tăng cường năng lực cho các cơ quan đảm trách việc thực hiện cải cách kinh tế của Việt Nam; triển khai hoạt động tại cấp tỉnh để hỗ trợ việc triển khai các bước đổi mới kinh tế then chốt.

Theo bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện của DFID tại Việt Nam, thương mại rất cần thiết cho tăng trưởng, cho việc tạo ra các công ăn việc làm, do đó, thương mại rất cần thiết cho giảm nghèo. Tuy nhiên, không phải ai cũng là người hưởng lợi từ việc tự do hóa thương mại. Trên thực tế, khi thương mại được mở rộng và tự do hóa, rất nhiều công việc được tạo ra, nhưng cũng rất nhiều công việc được mất đi - có thể vĩnh viễn. Người nghèo thường là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, và nhiều trong số họ là phụ nữ. Chính vì vậy, DFID cam kết hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo rằng người nghèo được bảo vệ và không phải gáng chịu các ảnh hưởng tiêu cực từ việc tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế.

Do nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật trê lĩnh vực này rất lớn trong những năm tới nên Chương trình có cơ chế mở để thu hút các nhà tài trợ khác có thể cùng tham gia. Tại Lễ ký kết, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ cũng đã giới thiệu Kế hoạch 5 năm đầu tiên của Giai đoạn II, bao gồm 24 dự án được triển khai từ tháng 10/2009 đến tháng 12/2010./..


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực