Nghị quyết 43-NQ/TW tạo động lực để Du lịch Đà Nẵng thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ ba, 16/04/2019 04:52
(ĐCSVN) - Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành. Đây là cơ sở để ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa Du lịch TP phát triển, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong những năm tới.

Đây là khẳng định của ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng với phóng viên khi trao đổi về những cơ hội phát triển của Du lịch của Đà Nẵng trên cơ sở những định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 43/NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngắm Vọop chà vá chân nâu ở Sơn Trà - Mô hình du lịch sinh thái lý tưởng
tại Đà Nẵng

Theo ông Vinh, trước khi Nghị quyết 43- NQ/TW của Bộ Chính trị banh hành, hơn 15 năm qua, Đà Nẵng nói chung và ngành Du lịch TP nói riêng cũng đã có những mục tiêu phát triển trên cơ sở Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo đó, trong hơn 15 năm qua, các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho TP phát triển với mục tiêu xây dựng Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay, Du lịch TP đã có bước phát triển đáng kể, bình quân hàng năm khách quốc tế tăng trên 20%. Năm 2018, ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục vượt mức kế hoạch, doanh thu của toàn ngành tăng trên 20%. So với các địa phương khác thì du lịch Đà Nẵng nằm trong nhóm tăng trưởng cao. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua có thể nói là năm thắng lợi của ngành Du lịch Đà Nẵng. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cũng như toàn ngành Du lịch thành phố.

“Để có được kết quả đáng kể đó, Du lịch Đà Nẵng đã được thành phố đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, bến cảng, sân bay…. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã thu hút những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mới, các sản phẩm mới; xây dựng một điểm đến an toàn, thân thiện, một môi trường trong sạch, phát huy được thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển trên nền tài nguyên thiên nhiên của thành phố”- ông Ngô Quang Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nói đến những thành công của Du lịch Đà Nẵng, theo đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng thì không thể không nói đến những khó khăn, tồn tại để TP rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục hạn chế phát huy thành công để đưa Du lịch tiếp tục phát triển, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn mà lãnh đạo TP hết sức quan tâm.

Theo ông Vinh, những thách thức đang đặt ra với ngành du lịch Đà Nẵng hiện nay là ngành Du lịch TP tuy đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố nhưng nhìn vào thực trạng, bên cạnh sự phát triển về số lượng, đòi hỏi Du lịch thành phố phải chuyển sang về chất lượng, để tỉ lệ khách quay lại Đà Nẵng cao hơn, du khách khi đến đây sẽ chi tiêu nhiều hơn, giá trị gia tăng cũng cao hơn nữa.

Cạnh đó, vấn đề đảm bảo môi trường hiện đang là áp lực lớn khi số lượng các cơ sở lưu trú tăng mạnh, một số khu vực có dấu hiệu quá tải về tình trạng đậu đổ xe, về xử lí chất thải, về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng phải được thành phố quan tâm hơn.

“Với tốc độ phát triển cao về lượng khách quốc tế hằng năm trên 20% đã đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề bởi vì Đà Nẵng đã được xác định là điểm đến không chỉ ở tầm quốc gia mà là của khu vực Đông Nam Á và thế giới, nên lực lượng lao động phải tương xứng, phải cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực”- ông Ngô Quang Vinh nhận định.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề vì Đà Nẵng là một trong những điểm đến rất hấp dẫn trên thế giới, vì thế trong việc thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sắp tới thì Du lịch TP xác định những khâu phát triển đột phá nào?- ông Vinh khẳng định: Trong giai đoạn phát triển mới và đặc biệt là khi Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đi vào đời sống sẽ tạo động lực và điều kiện mới cho Đà Nẵng phát triển. “Ngành Du lịch Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng khác so với trước đây. Trên nền móng đà tăng trưởng này, chúng tôi sẽ cơ cấu lại ngành Du lịch và thiên hướng chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đặc biệt sẽ tiếp tục phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, phát triển du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để phát huy được bản sắc văn hóa địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng”- ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết 43-NQ/TW, Đà Nẵng sẽ vinh dự, đồng thời giữ một trọng trách rất lớn và đầy khó khăn, đó là giữ vai trò một cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy, Đà Nẵng xác định cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các tỉnh trong vùng. Hiện, lãnh đạo TP cũng đã đồng ý xây dựng đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, xác định ngưỡng phát triển du lịch trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết vấn đề áp lực về môi trường. Ví dụ sân bay Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất 13 - 15 triệu hành khách/năm, cảng biển sẽ chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; đẩy mạnh du lịch phía Tây và Tây Bắc của thành phố, phát triển đường thủy, khơi thông sông Cổ Cò để kết nối với Hội An….

Một góc cầu sông Hàn (Đà Nẵng)

Cùng với những vấn đề trên, TP sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ giá trị văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên; chú trọng nguồn nhân lực, người lao động có kỹ năng nghề để đáp ứng với ngành du lịch trong thời kỳ mới; tiếp tục làm tốt công tác an ninh, tạo môi trường an toàn và thuận lợi để phát huy thương hiệu “Thành phố đáng sống”. Vừa qua, Đà Đà Nẵng cũng đã kí hợp đồng với Singapore để rà soát lại quy hoạch, dư địa phát triển tầm nhìn đến 2030-2045.

“Có thể nói, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Đà Nẵng một nhiệm vụ khá nặng nề là tốc độ phát triển GDP từ năm 2021 phải trên 12%. Đây là cũng là một bài toán đặt ra cho ngành Du lịch Đà Nẵng trước những thách thức lớn. Muốn đạt kết quả này, Đà Nẵng phải thu hút hơn những nhà đầu tư chiến lược, vừa có khả năng về tài chính, có tầm thì đó sẽ là “cú hích” cực kỳ quan trọng để hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị hướng đến”- ông Lê Quang Vinh cho biết thêm.

Riêng vấn đề kết nối với du lịch các nước và du lịch trong khu vực, ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, Đà Nẵng đã được các trang mạng, các tạp chí bình chọn là điểm đến hấp dẫn, là nơi phải đến trong năm 2018, 2019, là điểm đến hàng đầu về châu Á. Hiện nay, du lịch Đà Nẵng đang dành nhiều quan tâm hơn đối với xu thế phát triển của thế giới về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, phát huy được các giá trị văn hóa cộng đồng.  

Về vấn đề liên kết, hội nhập của du lịch Đà Nẵng với thế giới và khu vực, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2006, Đà Nẵng đã cùng với Huế và Quảng Nam ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch. Những năm gần đây, nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế phối hợp xây dựng, xúc tiến như: “Ba địa phương một điểm đến”, “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam hành trình di sản”…, Cùng với đó là những chương trình tham gia hội chợ, roadshow, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Phía EU cũng đã tài trợ cho ba địa phương xây dựng một website chung. Hằng quý, hằng năm, 3 địa phương đều tổ chức họp, trao đổi kinh nghiệm về cách thức quản lý, môi trường kinh doanh và sắp đến sẽ phát triển mạnh hơn nữa sự liên kết, cùng tạo ra lợi ích để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Theo đại diện ngành Du lịch Đà Nẵng, sắp tới Thành phố rất mong rằng Trung ương sẽ có một quy chế, khung pháp lý chung để Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, nhằm giúp các địa phương tạo ra lợi thế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình và tiếp tục vươn lên, phát triển xứng tầm với du lịch trong nước và khu vực./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực