Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nguồn: Hiệp hội cá tra Việt Nam)
Được biết, trong năm 2017, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích cá tra nuôi mới là 3.524ha, tăng 15% so cùng kỳ, thu hoạch đạt 1,2 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm trước, năng suất trung bình đạt 308 tấn/ha.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, năm 2017, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường, tổng kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng trên 4% so với năm 2016.
Việc xuất khẩu cá tra có sự thay đổi về thị trường, tỷ trọng. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 23% và đã vươn lên đứng đầu, Hoa Kỳ giảm chỉ còn 19,3% và EU là 11,4%. Thị trường Brazil, Mexico, ASEAN, Ả rập Xê-út có xu hướng tăng.
Có thể thấy, năm qua, giá cá tra tăng cao và ổn định đã tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi trở lại. Tuy nhiên, những lo ngại mà ngành chuyên môn nêu ra tại họp mặt là rào cản kỹ thuật, cạnh tranh thương mại, một số thị trường không ổn định, nhất là nguồn cá tra giống suy giảm, môi trường vùng nuôi không đảm bảo…
Được biết, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ và EU thời gian qua đã bị sụt giảm mạnh, nguyên nhân là do hàng rào kỹ thuật và thương mại. Như tại thị trường Hoa Kỳ là do kết quả thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao, khiến số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường này ngày càng giảm.
Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 60 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng thực tế chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có xuất khẩu hàng với số lượng không lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với rào cản kỹ thuật từ tháng 8/2017, thời điểm tất cả lô hàng các loài cá da trơn nhập khẩu vào thị trường này chính thức phải thanh tra theo đạo luật Farm Bill, khiến doanh nghiệp tổn hại chi phí và mất nhiều thời gian chờ đợi trước khi sản phẩm được chính thức cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ.
Còn đối với thị trường EU, xuất khẩu giảm mạnh là do sản phẩm cá tra Việt Nam bị cạnh tranh áp đảo từ các sản phẩm cá thịt trắng trong khu vực. Trước những khó khăn, thách thức tại thị trường Hoa Kỳ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khác trong khu vực cũng như một số thị trường mới.
Chính vì vậy, để có thể ổn định được hoạt động xuất khẩu cá tra trong năm 2018 thì một trong những yêu cầu cần thiết là các doanh nghiệp cần sớm thực hiện đa dạng hóa thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng linh hoạt sang một số thị trường như Brazil, Mexico, ASEAN, Ả rập Xê-út…
Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi, chọn lựa con giống tốt. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, cung ứng sản phẩm cho chế biến xuất khẩu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc…Đặc biệt là việc sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất chế biến cá tra.
Bên cạnh việc sản xuất con giống, các địa phương cũng từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu, trong đó vai trò của doanh nghiệp là nòng cốt. Các hộ nuôi cá tra thương phẩm liên kết với các doanh nghiệp được doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận được đảm bảo, người nuôi yên tâm sản xuất. Doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sẽ có nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho chế biến ổn định, chất lượng đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Hiện, các địa phương đang quản lý chặt vùng nuôi các tra theo quy hoạch, không gia tăng về công suất chế biến để tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ của các nhà máy hiện có theo hướng hiện đại. Từ đó gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm, đồng thời xác nhận và cấp giấy xác nhận nuôi cá tra thương phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân nuôi theo hợp đồng liên kết sản xuất với chế biến xuất khẩu./.