Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Thứ năm, 22/02/2018 21:34
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trao đổi với báo chí trước ý kiến cho rằng tình trạng nợ công tăng cao tiếp tục gây áp lực với công tác điều hành ngân sách và các chính sách tài chính trong năm 2018.
Ảnh minh họa. (Ảnh:M.P)

Bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng các chỉ tiêu nợ

Theo Bộ trưởng Tài chính, trong những năm qua, nguồn vốn vay công đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển với khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư còn lớn, việc duy trì bội chi ở mức cao trong thời gian dài để có nguồn lực cho đầu tư cũng dẫn đến nợ công tăng nhanh, các chỉ tiêu an toàn nợ tiến sát đến các giới hạn trần cho phép của Quốc hội giai đoạn 2011-2015. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các cấp có thẩm quyền thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công .

Bước vào giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, bao gồm kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm. Theo đó, mức trần chỉ tiêu an toàn nợ giai đoạn 5 năm là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP. Các mức trần này được xác định trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công cùng giai đoạn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong các năm 2016-2017, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chúng ta bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng các chỉ tiêu nợ, góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ước tính đến cuối năm 2017, dự kiến nợ công ở mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ ở mức 51,7% GDP; giảm mạnh so với mức 63,6% GDP và 52,6% GDP cuối năm 2016.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó mục tiêu đặt ra đối với các chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2018 là nợ công không quá 63,9% GDP, nợ Chính phủ không quá 52,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 47,6% GDP. Các mục tiêu chỉ tiêu này được xác định trên cơ sở đồng bộ với kế kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, khung cân đối kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm giai đoạn 2018-2020 và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc điều hành chính sách tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác đều nhằm thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Nhà nước. Việc điều hành tốt các chính sách tài chính, quản lý nợ công sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành, thực hiện các mục tiêu chính sách khác của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đưa ra 4 nhóm nhóm giải pháp nhiệm vụ tiếp tục được triển khai trong  công tác quản lý nợ công năm 2018 và thời gian tới.

Một là, bảo đảm kiểm soát các chỉ tiêu bội chi, nợ công trong theo giới hạn Quốc hội quyết định. Tiếp tục thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của NSNN và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định. Triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công năm 2017 (có hiệu lực từ năm 2018), tăng cường công tác quản lý nợ đồng bộ với quản lý ngân sách, đầu tư công ở trung ương và địa phương.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công thông qua siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi NSNN và sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Trong thời gian gần đây, chỉ số ICOR (chỉ số đầu tư tăng trưởng) của Việt Nam mặc dù có cải thiện song vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Nợ công chủ yếu sử dụng cho đầu tư công, do đó việc cải thiện chỉ số ICOR cùng với việc thực hiện chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế là một trong những yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.

Ba là, chủ động lựa chọn các nguồn vốn vay phù hợp cho huy động nguồn vốn cho đầu tư công và các nhiệm vụ cân đối ngân sách nhà nước. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá tác động đối với nợ công và khả năng trả nợ. Việt Nam đã tốt nghiệp chương trình IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của Ngân hàng Thế giới từ 1/7/2017 và dự kiến sẽ tốt nghiệp chương trình ADF (Quỹ Phát triển châu Á) của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Nguồn vốn vay ODA giảm dần, thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu hơn. Do đó, cần lựa chọn các nguồn vốn vay cho thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm chi phí và mức độ rủi ro hợp lý của danh mục nợ.

Bốn là, thường xuyên nghiên cứu đánh giá an toàn, bền vững nợ công để tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nợ công, đồng thời thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực