Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh mãng cầu xiêm trên huyện cù lao
Tân Phú Đông. (Ảnh: Minh Trí - TTXVN)
Với vị trí là một huyện cù lao, huyện Tân Phú Đông là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Tiền Giang. Điều kiện khắc nghiệt, nửa năm nước ngọt, nửa năm nước mặn khiến cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi tại đây nhiều năm liền chưa tìm được hướng đi thích hợp.
Nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Tiền Giang tăng cường chú trọng tới phát triển những cây trồng chủ lực, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây mãng cầu xiêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông, hiện nay, diện tích trồng mãng cầu xiêm tại địa phương là gần 1.000 ha; trong đó, khoảng 650 ha đang cho trái ổn định, năng suất thu hoạch bình quân từ 15 – 17 tấn/ha đem lại lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa.
Ông Trần Văn Phúc, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông hồ hởi chia sẻ, gia đình sau một thời gian dài trồng lúa kém hiệu quả, đã chuyển đổi sang cây mãng cầu xiêm, với gần 1 ha trồng mãng cầu xiêm cho trái ổn định, thương lái thu mua tại vườn được 13.000 – 18.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về lãi được 50 – 70 triệu.
Chung niềm phấn khởi đó, bà Lê Thị Vân, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm trồng mãng cầu xiêm, nên hơn 2 ha trồng mãng cầu của bà đạt năng suất trên 20 tấn quả; trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình cũng lãi trên 150 triệu.
Tính đến nay, có 5/6 xã của huyện Tân Phú Đông đã trồng được cây mãng cầu xiêm. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đang được rất nhiều hộ dân trong vùng áp dụng. Ngoài việc đem lại lợi ích lớn, trồng mãng cầu xiêm còn là hướng đi đúng đắn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thay thế cho diện tích trồng lúa kém hiệu quả của vùng đất nhiễm mặn đầy khó khăn này./.