Tăng cường quản lý thuế thương mại điện tử xuyên biên giới

Thứ sáu, 11/05/2018 17:56
(ĐCSVN) - Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để quản lý doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) bao gồm các thông tin như: Định danh, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế, thông tin về tình hình tài chính...
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: H.T)

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 11/5, do Bộ Tài chính tổ chức, tại Phú Thọ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ phát triển công cụ tìm kiếm internet phục vụ quản lý theo thông lệ quản lý của các nước phát triển như: Anh, Hà Lan để xác định hoạt động TMĐT chưa được kê khai thuế … Cơ quan thuế đang tích cực tìm giải pháp để tránh thất thu thuế từ mỏ vàng TMĐT xuyên biên giới.

Theo khẳng định của Tổng cục Thuế, trong nền kinh tế số sẽ phát sinh nhiều khoản doanh thu/ thu nhập mà việc xác định nó là thu nhập từ hoạt động kinh doanh hay phí bản quyền cũng là một thách thức không nhỏ trong quản lý thuế đối với giao dịch xuyên biên giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử cho thấy, ngành kinh doanh này năm 2017 đã đạt tốc độ tăng trưởng trên 25% so với năm trước đó và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, có thể đạt mốc 10 tỷ USD trong 5 năm tới; trong khi đó nguồn thu thuế từ mảng này vẫn luôn nằm trong bí mật.

Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia đầu tiên đang cân nhắc các loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, động thái này còn đặt các nhà bán lẻ vào một sân chơi công bằng. Ông Steven Sieker, Trưởng nhóm thuế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc hãng luật Baker McKenzie cho biết, hiện nay ở khu vực ASEAN, các công ty phải tuân thủ các chế độ thuế TMĐT khác nhau hoặc không chịu thuế ở một vài trường hợp. 

Trong khi đó tại Việt Nam, chính sách thuế đối với TMĐT hay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT chịu sự điều chỉnh của các luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), và một số nghị định thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT này mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài. 

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, công tác quản lý thuế đối với TMĐT vẫn gặp khó khăn xuất phát từ đặc trưng vốn có của nền kinh tế số, cũng như các các chính sách chưa được hoàn thiện. Hiện tại, theo quy định nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Bản thân cơ quan thuế cũng đã có một thời gian ráo riết gửi tin nhắn đến các tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng kết quả không như mong đợi.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh này cũng phát sinh một số vướng mắc. 


Một là, cơ chế thu thuế nhà thầu thông qua bên đại diện cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam nộp thuế trước khi thanh toán cho nước ngoài không còn phù hợp trong môi trường TMĐT với sự mở rộng của các hình thức kinh doanh đa bên và đa dạng các hình thức thanh toán. Ngoài ra Thông tư thuế nhà thầu chưa có quy định về cơ chế thu thuế GTGT, TNDN đối với cá nhân tiêu dùng sản phẩm dịch vụ xuyên biên giới.

Hai là, chưa có quy định cụ thể rõ ràng đâu là hàng hóa, dịch vụ được dùng trong thương mại điện tử.

Giới chuyên gia cho rằng, dưới tác động của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông nhiều mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng. Quản lý thuế đối với các loại hình này cần nhanh nhạy hơn nữa.

Cách mạng số mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới. Song cách mạng số còn là cơ hội cho cơ quan quản lý ứng dụng các tiến bộ khoa học. Đứng trước nền kinh tế chia sẻ và công nghệ vượt mọi biên giới quốc gia, cơ quan thuế cũng không thể đứng ngoài cuộc mà đòi hỏi phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với xu hướng công nghệ trong hoàn cảnh thực tiễn.

Được biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để có tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đối với TMĐT xuyên biên giới./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực