Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ và lâm sản

Thứ sáu, 15/05/2020 15:58
(ĐCSVN) - Các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các nhà phân phối đối tác để tiếp tục đàm phán, thực hiện các đơn hàng theo kế hoạch, ký kết các đơn hàng mới nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh ngay sau khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh.

Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, diễn ra sáng 15/5, tại Hà Nội.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, do bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung trong những tháng đầu năm 2020, đặc biệt là tháng 3, 4 nên đã có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, trong đó ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản.

Trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động hiệu quả và tương đối ổn định do hầu hết các đơn hàng cho quý I, quý II đã được ký kết với các đối tác, nhà phân phối từ những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Do vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019. Đến tháng 4, do dịch bệnh lan rộng tại nhiều quốc gia, đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Nhiều quốc gia đã phải ban hành các quy định về giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng… Đặc biệt tại các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc, Canada…, các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.

Về nguồn cung, nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (từ Trung Quốc khoảng 80%). Tuy đến đầu tháng 4, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh, hoạt động sản xuất dần được khôi phục nhưng vẫn cần có thời gian để sản xuất, vận chuyển và giao hàng. Do đó, dự báo đến giữa tháng 5/2020, mới ổn định được nguồn nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ.

Về tình hình lao động, theo báo cáo của các Hiệp hội, hầu hết các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên (khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn). Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 200 nghìn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp để cùng tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục lại sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong đó, để đẩy nhanh điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các nhà phân phối đối tác để tiếp tục đàm phán, thực hiện các đơn hàng theo kế hoạch, ký kết các đơn hàng mới để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh ngay sau khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh. Đồng thời cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường chính nhằm tránh rủi ro trong bối cảnh thế giới thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột và cạnh tranh thương mại. Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường trong nước - đây đang là thị trường đầy tiềm năng phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ trong trang trí nội thất rất lớn tại các dự án bất động sản. Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực để chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu để tổ chức lại các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nhằm đón đầu cho các đơn hàng mới.

Đặc biệt là việc xem xét, tái ký hợp đồng với những người lao động đã nghỉ việc do ảnh hưởng của bệnh dịch để đảm bảo đủ nguồn lao động cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần để người lao động yên tâm gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp. 

Ngoài ra, cần chủ động, đổi mới phương thức giao dịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng, trong đó tập trung sử dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến…đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực