Thu phí không dừng: Nhiều bất cập

Thứ năm, 04/06/2020 15:52
(ĐCSVN) - Sau một thời gian triển khai và đưa vào hoạt động, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam không được doanh nghiệp và người dân mặn mà sử dụng.
 Trạm thu phí trên địa bàn TP Hồ Chí Minh An Sương – An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) triển khai hình thức ETC nhưng tỷ lệ xe tham gia thấp

Đưa vào hoạt động từ tháng 10/2018, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam không được doanh nghiệp mặn mà sử dụng. Chính vì vậy, hiện một số trạm thu phí trên địa bàn TP như BOT An Sương – An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), trạm BOT cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2), nhà đầu tư đã triển khai các làn thu phí ETC cả 2 chiều lưu thông nhưng tỷ lệ xe sử dụng hệ thống này rất thấp. Cụ thể trên tổng các phương tiện lưu thông tại BOT An Sương – An Lạc đạt 3,66% và BOT cầu Phú Mỹ là 24%.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng: Do hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc các ô tô phải dán thẻ Etag, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Ngoài ra, dù nhiều trường hợp có dán thẻ, mở tài khoản nhưng lại không nộp tiền. Thêm vào đó là việc liên thông giữa các trạm thu phí trên địa bàn TP với các địa phương lân cận không đồng bộ, dẫn đến không hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho rằng: Sau một thời gian triển khai hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp không mặn mà. Cụ thể số tiền doanh nghiệp phải thanh toán cho một đợt đăng ký là rất lớn, lên đến cả tỷ đồng với những doanh nghiệp vận tải quy mô lớn. Hiện nay các thủ tục, công nghệ của hệ thống thu phí ETC lại rườm rà, không thuận tiện; chưa đồng nhất giữa các trạm thu phí, nhiều trạm chưa triển khai nên dù sử dụng dịch vụ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải sử dụng cả hình thức mua vé qua trạm… gây phiền hà, bất tiện khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Là một trong những trạm thu phí lớn nhất của cả nước, trung bình mỗi ngày, trạm thu phí cầu Đồng Nai có khoảng 60 ngàn lượt xe qua trạm, gấp 10 lần so với các trạm thu phí khác. Hiện trạm thu phí Đồng Nai hiện có 16 làn, từ tháng 2/2018 đến nay đã có 6 làn thu phí ETC. Tuy nhiên thực tế trong quá trình triển khai cho thấy một số bất cập như: Mắt đọc của ETC chậm, dẫn đến tình trạng ùn tắc vào những ngày lượng xe lưu thông lớn; nhiều xe chưa dán thẻ Etag nhưng vẫn đi vào làn dành cho loại xe này, tình trạng này xảy ra khá thường xuyên dẫn đến ùn tắc…

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại trạm thu phí phụ T2 (trên quốc lộ 51, thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành hướng đi Đồng Nai - Vũng Tàu vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ); trạm thu phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ùn tắc trước các trạm thu phí cũng xảy ra thường xuyên…

Đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Bình Dương chia sẻ: Hiện với hơn 30 đầu xe chạy dọc tuyến Bắc- Nam, khi nghe đến việc triển khai thực hiện thu phí không dừng, chúng tôi cũng hào hứng, vì nghĩ rằng sẽ tiết kiệm thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi để mua vé như trước. Thế nhưng sau hơn 01 năm triển khai thử nghiệm với 2 đầu xe thì những tiện ích của việc thu phí không dừng không được như mong đợi. Mỗi lần qua trạm thu phí chủ xe vẫn phải xếp hàng, trả tiền mặt do ETC không đồng bộ, khác hệ. Điều đó cho thấy, dù doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng chất lượng dịch vụ không được như mong muốn.

Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, ngay cả khi doanh nghiệp tự nguyện mua thẻ Etag, nếu các trạm thu phí BOT trên cả nước chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đồng bộ thì một thẻ không thể đi qua được tất cả các trạm thu phí. Muốn đi được, doanh nghiệp phải mua nhiều thẻ khác, từ đó sẽ tốn thêm chi phí trả tiền trước. Chính những tồn tại, bất cập này khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, nhiều nơi chưa mua thẻ Etag hoặc phải bỏ dang dở việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng để chuyển sang mua vé giấy, nhất là các đơn vị giao thông công cộng.

Mặc dù triển khai còn nhiều bất cập, doanh nghiệp, người dân chưa mấy mặn mà nhưng qua tìm hiểu đa số đều cho rằng, nếu triển khai thực hiện được ETC thì sẽ rất thuận tiện chủ phương tiện trong việc tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc tại các trạm thu phí, minh bạch nguồn thu…

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Võ Văn Quyền cho rằng, dịch vụ thu phí tự động nên đưa ra cả hình thức trả tiền trước và trả sau tạo thuận tiện cho người dùng, không nên đưa ra một hình thức thanh toán rồi ép người dùng phải thực hiện. Hình thức trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả.

Bên cạnh đó để thuận tiện cho việc chi trả của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ thì việc sử dụng hình thức liên kết trả tiền qua hệ thống ngân hàng cần được triển khai; đồng bộ việc triển khai ETC tại các trạm thu phí…

Theo báo cáo, dự án ETC được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu – kinh doanh). Hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí BOT. Trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm; UBND các tỉnh, thành quản lý 19 trạm. Dự án ETC được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.

Số lượng xe dán tem thu phí không dừng cũng chưa đạt được như yêu cầu với số lượng còn rất nhỏ, gần 900.000 xe.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua.

Bài, ảnh: Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực