Tọa đàm “Doanh nghiệp và Ngoại giao văn hóa”

Thứ sáu, 22/01/2010 10:43

(ĐCSVN)- Ngày 21/01, tại Hà Nội, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO - Bộ Ngoại giao phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VBC) tổ chức cuộc toạ đàm “Doanh nghiệp và Ngoại giao văn hóa”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã tới dự.

Cuộc toạ đàm được tổ chức nhằm tăng cường, nâng cao hiểu biết và tạo đồng thuận xã hội về Ngoại giao văn hóa; tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và là bước tiếp nối các hoạt động của năm “Ngoại giao văn hoá 2009”.

Đây cũng là cơ hội để xác định trách nhiệm xã hội, quyền lợi và làm rõ cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia hoạt động Ngoại giao văn hóa một cách hiệu quả, công bằng; gợi mở cho các doanh nghiệp trong việc xác định đặc trưng văn hóa kinh doanh của riêng mình, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong kinh doanh để thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu văn hóa Việt Nam, nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Phạm Sanh Châu cho rằng, trên thế giới có rất nhiều quốc gia thành công trong việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đối với Việt nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, Ngoại giao văn hóa đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (đứng bên phải), và Vụ trưởng
Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO Phạm Sanh Châu tại buổi tọa đàm. Ảnh: NHT


Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu của mình và xác định văn hóa trong kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trong quá trình cạnh tranh mạnh mẽ với thế giới. Hơn lúc nào hết, Ngoại giao văn hóa đang thực sự hỗ trợ và đồng hành cùng với quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

“Tham gia vào sự nghiệp Ngoại giao văn hóa của đất nước vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là thời gian thuận lợi để mỗi doanh nghiệp Việt góp sức cùng con tàu đất nước vươn ra biển lớn. Chúng tôi mong muốn mỗi doanh nghiệp cần tự ý thức, nhận thức tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam khi giao lưu với các đối tác nước ngoài. Bởi mỗi cử chỉ, hành động của doanh nhân cũng đại diện cho tính cách, trình độ của người Việt. "Mỗi doanh nghiệp trước hết hãy là một Đại sứ văn hóa Việt Nam”, Vụ trưởng Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – Chủ tịch VBC phát biểu: “Thực tế, ngoại giao văn hóa có vai trò to lớn trong mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ khâu đàm phán thương mại, thiết kế in ấn sản phẩm, xúc tiến bán hàng, thu hút đầu tư và tạo lập uy tín, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ, Ngoại giao văn hóa được coi là một trụ cột cùng với Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế tạo thành thế “kiềng ba chân”, sức mạnh tổng thế trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

Ngoài tham luận của các nhà ngoại giao kỳ cựu, các nhà văn hóa, doanh nhân chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong ngoại giao văn hoá, buổi tọa đàm còn có sự sẻ chia những kinh nghiệm quý báu của một số Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam về phát huy vai trò của doanh nghiệp đối với Ngoại giao văn hóa và sự hỗ trợ của Ngoại giao văn hóa đối với doanh nghiệp./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực