Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa: Kiểm toán phát hiện nhiều sai sót

Thứ hai, 21/08/2017 16:15
(ĐCSVN) – Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa...
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: VL)

Đây là thông tin được ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương, Hội nghề nghiệp, trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, và đông đảo doanh nghiệp.

Tại hội thảo các đại biểu nhấn mạnh: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa về sau. Kiểm toán kết quả định giá DNNN do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá doanh nghiệp, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: “Kết quả kiểm toán năm 2016 định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, KTNN đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng. KTNN cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…".

Ngoài ra, KTNN còn phát hiện các tồn tại trong cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN, kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập trong định giá và xử lý các vấn đề tài chính.

Theo ông Hồ Đức Phớc, dù vậy, công tác kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp cũng cần được nghiên cứu, xem xét từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, chất lượng kiểm toán được cao hơn, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chống thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa.

Còn theo ông Brian McEnery, Chủ tịch ACCA Toàn cầu: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được coi là giải pháp chữa trị thần kỳ cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Việc đa dạng hóa sở hữu (về lý thuyết) giúp cải thiện việc ra quyết định của công ty, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn, tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả hỗ trợ”. 

Chủ tịch ACCA Toàn cầu chia sẻ một số giải pháp cụ thể về việc lựa chọn phương pháp định giá, vai trò của các chuyên gia định giá ngoài cơ quan KTNN cũng như công tác chuẩn bị cần thiết từ phía DNNN khi cổ phần hóa ở Anh quốc và quốc tế. Ngoài việc đảm bảo tính độc lập trong việc định giá và quy trình cổ phần hóa DNNN, các cơ quan KTNN quốc tế thường xây dựng các bộ tài liệu về các thông lệ tốt nhất về định giá DNNN trước khi cổ phần hóa trên cơ sở tập hợp các phát hiện, đề xuất trong quá trình kiểm toán đã thực hiện nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cổ phần hóa DNNN nhanh và hiệu quả hơn./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực