Lãi suất chơi họ không quá 20%/năm
Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực từ ngày 5/4 quy định thỏa thuận về dây họ bắt buộc phải được lập thành văn bản, thay vì có thể được thỏa thuận bằng lời nói. Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.
Nghị định 19 quy định, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự thì được tham gia chơi họ.
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ; trường hợp tài sản riêng của người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Cũng theo Nghị định, lãi suất khi chơi họ có lãi không được vượt quá 20%/năm.
Quy định mới về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất
Có hiệu lực từ ngày 10/4/2019, Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất. Cụ thể, giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Như vậy so với quy định hiện hành, Nghị định 20/2019 bổ sung trường hợp đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà thời hạn thuê đất nhỏ hơn thời hạn của loại đất quy định tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Ngoài ra, Nghị định 20/2019 sửa đổi, bổ sung quy định về tính lệ phí trước bạ đã thay đổi cách tính loại lệ phí này với xe tải van, xe pick-up. Theo đó, những loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống, có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu sẽ bằng 60% mức lệ phí trước bạ của ôtô con. Ở lần nộp lệ phí trước bạ thứ hai trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Mức đóng này cao hơn so với hiện hành….
Ảnh minh họa. Nguồn: TH.
Học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành Y khoa
Có hiệu lực từ ngày 15/4, Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó có thay đổi liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm và y dược.
Thông tư nêu rõ: Trong đợt tuyển sinh năm 2019, với trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên, ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Từ đó, các trường sẽ xây dựng phương án xét tuyển.
Cụ thể điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định.
Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học được tính như sau: Đối với các ngành đào tạo giáo viên và ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên...
Điều trị nội trú ban ngày tại bệnh viện y học cổ truyền
Thông tư 01/2019/TT-BYT về điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền quy định, việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày tại các cơ sở này do bác sĩ quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thời gian theo dõi, điều trị nội trú ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày.
Riêng đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2019.
Cha mẹ có quyền đổi tên cho con nuôi
Từ ngày 25/4, Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định 24/2019/NĐ-CP,cha mẹ nuôi được yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi họ, tên đệm và tên của con nuôi; trường hợp con đủ 9 tuổi trở lên, phải được sự đồng ý của con.
Nghị định cũng quy định khi hỗ trợ bằng tiền cho trại trẻ mồ côi, phải thực hiện thông qua tài khoản của trại. Các tổ chức, cá nhân không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi bằng việc hỗ trợ và ngược lại, cơ sở nuôi dưỡng cũng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì đã nhận hỗ trợ nhân đạo..../.