Lãnh đạo, triển khai thực hiện chặt chẽ
Theo Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Chính ủy Quân khu 9, trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Tổng Cục Chính trị, Đảng ủy Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Đề án chặt chẽ, với từng nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đảng ủy Quân khu, cấp ủy các cấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo và chỉ đạo Cục Chính trị xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ trì đơn vị, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp và chọn một số đơn vị làm điểm trong triển khai thực hiện Đề án. Nhờ đó mà đến nay chất lượng giáo dục chính trị của LLVT Quân khu 9 có sự chuyển biến mạnh mẽ tích cực, công tác quản lý bộ đội đi vào nền nếp; cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sư đoàn 330, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tiền Giang và Lữ đoàn Công binh 25 được Đảng ủy Quân khu 9 làm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Theo chia sẻ của Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, thì Phòng Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy – Bộ CHQS tỉnh cụ thể hóa các nội dung và triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị. Quá trình triển khai đều thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, nhờ vậy chất lượng công tác giáo dục chính trị đã có sự chuyển biến; nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được nâng lên.
Đại tá Lê Văn Việt, Phó Chính ủy Sư đoàn 330 cho biết: “Đảng ủy Sư đoàn đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xây dựng nghị quyết chuyên đề, quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chỉ thị, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, trọng tâm là Chỉ thị 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
Đảng ủy Sư đoàn thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho các hoạt động; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp giáo dục chính trị với quản lý tư tưởng, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đối tượng. Nhờ đó, hàng năm chất lượng giáo dục chính trị của Sư đoàn đều nâng lên, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể, nhiều đơn vị đã chấm dứt đào, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép.
Lữ đoàn Công binh 25 là đơn vị đóng quân, thực hiện nhiệm vụ trên nhiều hướng, nhiều địa bàn nên việc triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị cũng còn gặp không ít khó khăn. Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 25, đơn vị luôn coi trọng phương pháp giáo dục nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ chế độ sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần; tăng cường tiếp xúc, trực tiếp đối thoại giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ. Từ đó đã góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Chính ủy Quân khu khen thưởng cho các tập thể đạt thành tích tốt trong thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
Nỗ lực, sáng tạo
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu luôn nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện việc đổi mới, chương trình, nội dung biên soạn tài liệu giáo dục học tập chính trị. Đến nay, đã biên soạn được 10 tài liệu chuyên đề, nhiều chuyên đề đã được Cục Tuyên huấn biên soạn thành tài liệu giáo dục chính trị trong toàn quân như: Lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ - Việt Nam; một số nội dung cơ bản về biên giới, lãnh thổ; đặc điểm tình hình khu vực biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia và văn bản pháp lý về biên giới Việt Nam – Campuchia; nâng cao cảnh giác đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ của Việt Nam; một số cơ sở lý luận thực tiễn và giải pháp phòng, chống tự diễn biến – tự chuyển hóa trong LLVT Quân khu…
Ngoài ra, từ tháng 6/2017 đến nay, Hội đồng Giáo dục QP – AN Quân khu đã đưa nội dung chuyên đề “Chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Tây Nam Bộ” vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP – AN cho các đối tượng 2,3,4, sinh viên học sinh và phổ biến rộng rãi cho quần chúng nhân dân. Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Chúng tôi đã tổ chức được 7 đợt tập huấn với 392 đồng chí tham gia. Phòng Chính trị còn xây dựng đề cương chi tiết và tài liệu mẫu gồm các tư liệu, lịch sử truyền thống, chiếu lệ các trận đánh, gặp gỡ các chú cách mạng cao niên lão thành, các nhân chứng sống, người thật việc thật…để minh họa, chứng minh”.
Một điểm nổi bật nữa là hiện nay đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị các cấp ở Quân khu 9 đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, bài giảng điện tử vào công tác giáo dục chính trị. Nội dung giáo dục chính trị cho các đối tượng đều được điện tử hóa trên 70%; 100% cán bộ chính trị biết biên soạn và sử dụng bài giảng điện tử.
Trung tá Trần Đình Công, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 25 cho biết: “Chúng tôi có thuận lợi là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị đã được thực hiện từ năm 2008. Do vậy, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Đề án, Tiểu đoàn đã xây dựng được bộ bài giảng điện tử gồm 6 bài giáo dục chính trị của chiến sĩ mới, sau đó là bộ bài giảng cho hạ sĩ quan, binh sĩ đều được Cục Chính trị Quân khu đánh giá cao. Từ sự lan tỏa đó, đến nay hầu hết cán bộ quân sự, hậu cần, kỹ thuật của đơn vị đều biết ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Tuyển Phong, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo binh 6 cho biết, ngoài giáo dục chính trị truyền thống, đơn vị còn kết hợp giáo dục chính trị gắn đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các cuộc vận động khác. Lữ đoàn còn đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến hệ thống bảng biển, sáng tạo nhiều mô hình kết hợp vừa học tập chính trị với vui chơi giải trí, làm cho người học có tinh thần hưng phấn, dễ hiểu, dễ nhớ. Hàng năm chất lượng giáo dục chính trị ở Lữ đoàn đều nâng lên, tỷ lệ khá, giỏi đều đạt trên 91%.
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Chính ủy Quân khu khẳng định: “Từ những kết quả đạt được, thời gian tới cấp ủy, chỉ huy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, Chỉ thị 24 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác giáo dục chính trị, đột phá vào đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo bước chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, chiến sĩ ngày càng nâng cao”./.