Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tiếp nhận nạn nhân
được giải cứu từ lực lượng chức năng Trung Quốc. Ảnh: TD
Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp. Là tỉnh có trên 200 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào Cai được xác định là một trong các tỉnh trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Tìm hiểu được biết, Lào Cai có nhiều đường mòn lối mở, nhiều đường tiểu ngạch, giao thông đi lại chưa thuận lợi, công tác truyền thông tuy đã được đẩy mạnh song có mặt còn hạn chế; phần lớn phụ nữ nông thôn vùng biên trong độ tuổi lao động không có công việc làm ổn định; trình độ nhận thức chưa cao, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn... do đó tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em tại một số địa bàn có lúc có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Thực tiễn công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em ở tỉnh biên giới Lào Cai thời gian qua cho thấy, tội phạm mua bán người chủ yếu hoạt động ở vùng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có trình độ dân trí thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn và khu vực biên giới. Đối tượng gây án chủ yếu là người dân tộc thiểu số chưa có tiền án, tiền sự, vì hám lợi nên đã cấu kết với các đối tượng ở các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La và đối tượng người Trung Quốc tạo thành đường dây, ổ nhóm lừa đưa phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc. Do vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.
Trước tình hình đó, phát huy vai trò nòng cốt, lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai đã thường xuyên đẩy mạnh công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán mua bán phụ nữ, trẻ em. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cũng như âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho các tầng lớp nhân dân. Coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền vận động, quản lý giáo dục con em tại gia đình, cộng đồng dân cư nâng cao cảnh giác, ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tiếp tay, tham gia hoạt động mua bán người.
Cùng với đó, lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cũng chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường bám cơ sở, phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát, chú trọng các đường mòn, tiểu ngạch, lối mở qua biên giới. Quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Thường xuyên trao đổi thông tin về nạn nhân hoặc đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em cũng như thông tin về nạn nhân cần giải cứu để đề nghị phía nước bạn Trung Quốc phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân…
Có con gái may mắn trở về sau hơn 3 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, bà Vàng Thị M ở huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ: “Nhờ có bộ đội biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ nên con mình mới có thể được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Gia đình mình biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm”.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, qua công tác điều tra, khám phá những vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tổ chức điều tra, triệt phá 163 vụ với 316 đối tượng, vận động đầu thú và bắt các đối tượng truy nã được 25 đối tượng. Tòa án đã thụ lý 153 vụ với 274 bị cáo (trong đó tội mua bán người là 102 vụ với 172 bị cáo, tội mua bán trẻ em là 51 vụ với 102 bị cáo), đưa ra xét xử 150 vụ với 268 bị cáo. Thượng tá Kiều Phi Hùng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết: Việc xét xử nghiêm minh, công khai các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em vừa có tác dụng nâng cao nhận thức của người dân; vừa có tính răn đe đối với các đối tượng có ý định phạm tội. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã nêu cao cảnh giác và chủ động cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp cơ quan chức năng điều tra, bóc gỡ các đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia.
Cùng với đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng luôn được Lào Cai quan tâm thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 558 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 250 người, số còn lại thuộc các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là có 02 nạn nhân là người Lào. 82,4% số nạn nhân là người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mông, người Dao và người Thái… Đa số nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe, một số nạn nhân có biểu hiện thần kinh, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân thì bị tàn tật, tổn thương… Với phương châm tạo điều kiện tốt nhất để nạn nhân sớm ổn định tâm lý, 100% nạn nhân được giải cứu trở về đều được hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người. Các nạn nhân được sắp xếp chỗ ăn, ở an toàn, được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý, được chuyến tuyến về gia đình và các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác an toàn.
Cháu Sùng Thị H, một nạn nhân trở về đang học tập tại Nhà Nhân ái thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai) xúc động chia sẻ: “Các cô ở Nhà Nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ cháu và các bạn ở đây rất nhiều để chúng cháu sớm ổn định tâm lý. Cháu còn được hỗ trợ học nghề để sau này có việc làm và cuộc sống ổn định”.
Với những biện pháp toàn diện nói trên, có thể thấy, tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã dần được kiềm chế; qua đó góp phần giữ vững ổn định tình hình địa phương. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là nhóm phụ nữ, trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng và phối hợp quốc tế trong điều tra, xác minh, bóc gỡ và đưa ra xét xử các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em. Quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế xã hội, tạo công việc cho người dân tại các khu vực giáp biên.../.