Phát huy vai trò của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trong nền kinh tế

Thứ ba, 07/02/2012 15:36

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) đang giữ vai trò quan trọng, là “cánh tay đắc lực” của Chính phủ trong thực thi chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thông qua tại Đại hội XI đã đưa ra nhiều định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó định hướng đầu tiên là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta cũng đã khẳng định rõ quan điểm: Phải tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.

 

 Phát huy vai trò của hệ thống NHTMNN trong nền kinh tế (Ảnh minh họa: HNV)

Trên cơ sở các quan điểm và định hướng cơ bản đó, căn cứ vào Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 1/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bình ổn thị trường, Chính phủ nhấn mạnh “Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, sử dụng hiệu quả các công cụ lãi suất, tỷ giá để giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hướng dẫn và chỉ đạo các NHTM bảo đảm nguồn vốn, đơn giản thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chủ trang trại hợp tác xã và cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh”. Điều này đã cho thấy các NHTM, nhất là các NHTMNN đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội. Vai trò đó thể hiện cụ thể ở các bình diện:

Một là, NHTMNN đóng vai trò dẫn dắt khối NHTM trong việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tin dụng – ngân hàng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hai là, NHTMNN luôn đi đầu trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo cung ứng vốn cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, NHTMNN là những đơn vị chủ động phối hợp với NHNN, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, đánh giá, nhận định về các khả năng có thể xảy ra đối với nền kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam để dự báo, có phương án và thực hiện các biện pháp để xử lý các tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Các NHTMNN ở nước ta (tính đến 31/12/2011) là: Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (Nguồn: NHNN Việt Nam) 

Hệ thống NHTMNN đang nỗ lực đảm bảo lợi nhuận kinh doanh và các tỷ lệ an toàn theo quy định của Nhà nước cùng nhu cầu đổi mới công nghệ và quản lý để hội nhập thị trường tài chính quốc tế trong bối cảnh phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía các NHTM cổ phần. Mặc dầu vậy, với những đóng góp thực tế vào nền kinh tế, các NHTMNN đang phát huy hơn bao giờ hết vai trò “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước để điều tiết và định hướng nền kinh tế...”

Thực tế cũng đã cho thấy hệ thống NHTMNN đã có những đóng góp to lớn trong bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua, nhất là từ năm 2008 đến nay khi thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động tác động không nhỏ đến thị trường tài chính nước ta – một thị trường đang phát triển trong một nền kinh tế với độ mở cửa khá lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực cũng như kinh tế thế giới. Những đóng góp đó được thể hiện cụ thể:

Năm 2008, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, cho vay và đầu tư song các NHTMNN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tiên phong đi đầu trong các đợt giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN. Thị phần cho huy động vốn của khối NHTMNN chiếm 56%, thị phần cho vay trong nền kinh tế chiếm 55%, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn cho các tổ chức và cá nhân để sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Bên cạnh đó, các NHTMNN cũng tăng cường mua ngoại tệ từ NHNN để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, đáp ứng tối đa nhu cầu thiết yếu như nhập khẩu xăng dầu, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thiết bị y tế, đồng thời hỗ trợ ngoại tệ cho các ngân hàng có phục vụ nhu cầu trả nợ vay hoặc thanh toán L/C đến hạn, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của cá nhân.

Năm 2009, diễn biến khó lường do tác động phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với chủ trương, giải pháp đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần vào thành công chung của nền kinh tế trong ngăn chặn suy giảm kinh tế. Một lần nữa, các NHTMNN lại đi đầu trong thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các khoane vay ngắn hạn bằng VND và tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trung, dài hạn bằng VND, khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân...Kết quả, thị trường tiền tệ về cơ bản ổn định trở lại, lãi suất thị trường nằm trong ngưỡng kiểm soát...

Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, áp lực lạm phát còn cao, để đảm bảo các mục tiêu chung của nền kinh tế, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính. Các NHTMNN tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay trung, dài hạn để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và cho vay để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn...

Năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát trong nước tăng cao, sản xuất đình đốn nhưng cơ bản, hoạt động toàn bộ hệ thống tín dụng vẫn thu được kết quả khích lệ. Khối các NHTMNN vẫn giữ quy mô lớn nhất và đáp ứng khá tốt tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định. Các NHTMNN đã giảm lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, phổ biến ở mức 15-17%/năm, giảm so với mức phổ biến 18-21%/năm trước khi triển khai Hội nghị toàn ngành ngày 7/9/2011; một số trường hợp doanh nghiệp vay vốn nhằm khắc phục hậu quả bão lụt hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cam kết cam kết bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được vay với mức lãi suất 13,5-14,5%/năm...

Trước những diễn biến còn nhiều khó khăn trong năm 2012, để phát huy hơn nữa vai trò của NHTMNN cùng với các thành phần kinh tế nhà nước khác giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước nhà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: Phải tái cơ cấu các NHTMNN để họ thực sự là chủ lực, mạnh hơn về vốn, quản trị tốt hơn, hoạt động ngày càng an toàn, hiệu quả góp phần vào thực hiện mục tiêu chung “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực