|
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma |
Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, là người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, được trực tiếp chứng kiến diễn biến cũng như cách Chính phủ và Nhân dân Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, ông nhận định thế nào về công tác chống dịch cũng như hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam? Theo ông, đâu là nguyên nhân để Việt Nam có được kết quả đó?
Đại sứ Pranay Verma: Tôi đã ở Hà Nội tròn một năm và phần lớn thời gian ấy diễn ra đại dịch COVID-19. Xét trên nhiều phương diện, với tư cách là người nước ngoài, chúng tôi đều cảm thấy rất an toàn khi ở Việt Nam vì Việt Nam đã kiểm soát COVID-19 rất tốt. Bất chấp đợt lây nhiễm thứ hai mới bắt đầu gần đây, Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Thành công Việt Nam có được là nhờ một số hành động quyết liệt và từ rất sớm của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cũng đã thực hiện hành động phối hợp giữa các bên để đảm bảo việc xét nghiệm trên diện rộng, truy vết, cách ly và huy động toàn Chính phủ và toàn xã hội chống lại đại dịch.
PV: Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm và sự chung tay của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19?
Đại sứ Pranay Verma: Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đóng vai trò xây dựng trong việc đối phó với thách thức toàn cầu này. Sau khi kiểm soát thành công đại dịch trong nước, Việt Nam đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm tích cực của mình với các nước khác. Việt Nam cũng đã chủ động tặng khẩu trang và các thiết bị y tế khác cho các đối tác quốc tế, trong đó có Hiệp hội Chữ thập đỏ Ấn Độ. Chúng tôi rất biết ơn hành động này.
Ấn Độ và Việt Nam cũng đang chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến COVID-19 với nhau. Ấn Độ đã tổ chức các chương trình nâng cao năng lực trực tuyến liên quan đến việc kiểm soát COVID-19 và mời phía Việt Nam tham gia. Cục Quân y của hai nước cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến để trao đổi những biện pháp tốt nhất trong việc kiểm soát COVID-19.Việc Việt Nam xử lý tốt dịch bệnh COVID-19 đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi và Ấn Độ thể hiện rõ năng lực trong sản xuất dược phẩm, vắc-xin cùng với những kinh nghiệm thu thập được trong quá trình tìm hiểu về đại dịch chính là những lĩnh vực mà hai bên có thể tiếp tục trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
PV: Có nhận định cho rằng Việt Nam đã thành công bước đầu trong công cuộc chống COVID-19 và sẽ bật dậy nhanh hơn sau đại dịch. Ông nghĩ sao về điều này?
Đại sứ Pranay Verma: Việc Việt Nam có thể đối phó thành công với khủng hoảng cho đến giờ rõ ràng đã mang lại cho đất nước một bước khởi đầu vượt bậc so với các nước khác, mặc dù đợt lây nhiễm mới một lần nữa xáo trộn cuộc sống của nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng, một thành phố có đóng góp kinh tế đáng kể cho đất nước. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng việc người dân Việt Nam có thể trở lại cuộc sống bình thường ở mức độ nào đấy cao hơn nhiều so với các nước khác, đã giúp hồi phục các hoạt động kinh tế trong nước. Một khi tình hình thế giới bên ngoài bình thường trở lại, Việt Nam sẽ có đủ khả năng để hòa nhập với thế giới ngay lập tức vì đã có thời gian để phục hồi và vực dậy nền kinh tế.
PV: Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ và các biện pháp mà chính phủ Ấn Độ triển khai để ứng phó với dịch COVID-19?
Đại sứ Pranay Verma: COVID-19 đã ảnh hưởng đến Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các biện pháp mà Chính phủ Ấn Độ triển khai nhằm đối phó với đại dịch được thực hiện trên 3 lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, và phục hồi kinh tế.
Nếu tính số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ ở thời điểm hiện nay xét trên tổng dân số cả nước là hơn 1,3 tỷ dân thì con số này không cao. Hiện tỷ lệ bệnh nhân phục hồi ở Ấn Độ lên đến hơn 68%, trong khi đó tỷ lệ tử vong dần giảm xuống dưới 2,1%, thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là hơn 5%. Điều này có được là do một số hành động quyết liệt từ sớm của Chính phủ, bao gồm các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa toàn quốc chưa từng có, để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Về y tế, Ấn Độ đang tích cực tham gia nghiên cứu vắc xin. Hai loại vắc xin của chúng tôi đã đến giai đoạn thử nghiệm trên người và những phản hồi ban đầu rất đáng khích lệ. Là "hiệu thuốc của thế giới", Ấn Độ sản xuất 20% thuốc gốc trên thế giới và 62% số lượng vắc xin toàn cầu. Do đó, Ấn Độ sẽ đóng vai trò hàng đầu trong những nỗ lực này. Hiện tại, để quản lý đại dịch, chúng tôi đang cung cấp thuốc hỗ trợ cho gần 150 quốc gia trên thế giới.
Về an sinh xã hội, Chính phủ Ấn Độ cũng đang hỗ trợ cho một số lượng lớn người dân nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đặc biệt là những người lao động di cư. Chính phủ đã khởi động một chương trình an ninh lương thực để cung cấp thực phẩm miễn phí trị giá 20 tỷ đô, hỗ trợ 25 tỷ đô theo Chương trình phúc lợi cho người nghèo của Thủ tướng, bao gồm một khoản vay 6 tỷ đô cho hơn 300 triệu nông dân.
Về kinh tế, Thủ tướng Modi đã đặt ra tầm nhìn về một "toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm" để phục hồi kinh tế. Ông cũng đã đưa ra tầm nhìn về một “Ấn Độ tự cường” - Aatma Nirbhar Bhaarat trong tiếng Hindi –đó là tự duy trì và kiên cường, không phải bằng cách cô lập Ấn Độ, mà bằng cách xây dựng năng lực ở quê nhà để Ấn Độ có thể hội nhập tốt hơn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Như tầm nhìn của Thủ tướng Modi, đại dịch COVID-19 có thể là một cơ hội để định vị Ấn Độ là nước đóng góp cho sự hồi sinh và sự thịnh vượng toàn cầu. Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài tận dụng sự cởi mở, cơ hội và lựa chọn mà Ấn Độ mang lại cho thế giới hiện nay. Đây cũng chính là tầm nhìn mà chúng tôi đang hướng tới.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!