Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên khẳng định thiện chí đối thoại
Phát biểu tại cuộc gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in đang ở thăm Mỹ, ngày 11/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông đang nhắc tới khả năng tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cũng không muốn gia tăng sức ép trừng phạt lên Bình Nhưỡng ở thời điểm hiện tại.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump
tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, ngày 11/4/2019. (Ảnh: NHK)
Trong khuôn khổ cuộc gặp diễn ra tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ sớm gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thúc đẩy triển vọng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội không phải là một sự thất bại mà chỉ là một phần trong tiến trình dài để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhà lãnh đạo này kêu gọi các bên duy trì đối thoại, đồng thời tỏ ra lạc quan về triển vọng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3 trong tương lai gần.
Ngày 13/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KNCA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định mối quan hệ giữa ông và Tổng thống D.Trump vẫn đang được duy trì ở trạng thái tốt đẹp.
Phát biểu tại ngày họp thứ 2 của Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên khóa 14, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết: “Nếu Mỹ đề xuất tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với Triều Tiên bằng một thái độ và một phương pháp đúng đắn, thì chúng tôi sẵn lòng thực hiện công việc này thêm một lần nữa”.
Xung đột tiếp tục leo thang tại Libya
Tuần qua, xung đột tại Libya tiếp tục leo thang giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận với Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy.
Một binh sĩ GNA khai hỏa trong cuộc giao tranh với LNA ở Ain Zara ngày 10/4. (Ảnh: AFP)
Theo số liệu thống kê do Liên hợp quốc công bố ngày 11/4, các cuộc giao tranh giữa LNA và GNA trong những ngày qua đã khiến ít nhất 56 người thiệt mạng và hơn 8.000 thường dân phải rời bỏ nhà cửa. Trong khi đó, GNA cũng cho biết đã bắt giữ được 200 tù binh của phe đối lập.
Hiệ̣n Liên hợp quốc đang kêu gọi các phe phái đối lập tại Libya thực hiện một lệnh ngừng bắn nhân đạo để triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và tạo cơ hội để người dân có thể chạy khỏi vùng chiến sự.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng không hề tồn tại một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Libya, đồng thời kêu gọi các bên liên quan quay trở lại tiến trình chính trị để giải quyết vấn đề này.
Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị lật đổ vào năm 2011, đất nước Libya đã trượt dài trong bất ổn kinh tế và chính trị. Năm 2015, GNA đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc song cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm quyền điều hành đất nước. Trong bối cảnh trên, nhiều giải pháp do cộng đồng quốc tế đưa ra trong thời gian qua để chấm dứt tình cảnh “nồi da nấu thịt” tại Libya cũng chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Anh và EU nhất trí kéo dài thời gian gia hạn Brexit
Sau cuộc họp kéo dài 5 giờ đồng hồ tại Brussels (Bỉ), ngày 10/4, các nhà lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn lần thứ 2 đối với tiến trình Brexit cho tới ngày 31/10 nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận. Phương án này cũng đã được Thủ tướng Anh Theresa May chấp thuận.
Chủ tịch EC Donald Tusk thông báo thời hạn mới cho Brexit là ngày 31/10 tới. (Ảnh: NHK)
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên còn lại trong EU đã nhất trí tiếp tục kéo dài thời hạn thực hiện Brexit thêm 6 tháng, so với thời gian gia hạn lần thứ nhất vào ngày 21/4.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker lại nêu điều kiện Anh phải tham gia vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra trong các ngày 23-26/5 nếu như muốn việc gia hạn Brexit được duy trì.
Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, dù thời hạn chót để thực thi Brexit đã được kéo dài tới ngày 31/10, song Anh có thể rời khỏi EU ngay sau khi các nhà lập pháp của nước này thông qua bản thỏa thuận Brexit. Cụ thể, Thủ tướng Anh cho rằng, nếu như bản thỏa thuận Brexit được Quốc hội phê chuẩn trước ngày 22/5 thì điều này sẽ giúp Anh tránh kịch bản phải tham gia vào các cuộc bầu cử của châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định việc EU gia hạn Brexit thêm 6 tháng đã giúp tránh được "kết cục khủng khiếp" là Brexit không thỏa thuận, vốn sẽ làm gia tăng sức ép đối với nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, theo bà Lagarde, điều đó không đồng nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
Mỹ và Iran coi quân đội của nhau là khủng bố
Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tham gia một cuộc diễu binh.
(Ảnh: PressTV)
Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ khi đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chính thức coi quân đội của một quốc gia khác là một tổ chức khủng bố. Sau quyết định trên của Tổng thống D.Trump, các hành vi hỗ trợ về vật chất cho IRGC sẽ bị cấm và chính phủ Mỹ có quyền truy tố những ai vi phạm.
Giới phân tích cảnh báo, quyết định trên của Tổng thống D.Trump không những sẽ gia tăng sức ép kinh tế lên Iran mà còn khiến tình hình khu vực Trung Đông thêm phức tạp. Động thái này cũng là một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Iran.
Cùng ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã ra thông cáo lên án mạnh mẽ hành động bất hợp pháp và nguy hiểm của Mỹ khi liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, coi đây là biện pháp vô căn cứ và gây nguy hiểm cho hoà bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới.
Ngày 9/4, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã liệt Bộ Chỉ huy Trung tâm của Quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng liên quan trong khu vực vào danh sách tổ chức khủng bố nhằm đáp trả hành động tương tự của phía Mỹ.
Quân đội Sudan nắm quyền điều hành đất nước
Ngay sau khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir từ chức và quân đội kiểm soát đất nước, tối 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf đã tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp với vai trò là người điều hành đất nước trong vòng hai năm, thay thế vị trí cầm quyền của nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir.
Ông Ahmed Awad Ibn Auf tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp
(Ảnh: Al Jazeera)
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước thông báo về sự chấm dứt giai đoạn cầm quyền 30 năm của nhà lãnh đạo Bashir, ông Auf cho biết, hiện ông Bashir đang ở một nơi an toàn và quân đội sẽ lên nắm quyền hai năm trước khi tổ chức tổng tuyển cử.
Trước đó cùng ngày, quân đội Sudan đã thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng sau khi bắt giữ Tổng thống Bashir. Trong đó, lệnh giới nghiêm được áp đặt vào ban đêm trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22h00' đến 4h00' (giờ địa phương).
Ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf đã tuyên bố rằng ông sẽ từ chức người đứng đầu hội đồng quân sự chuyển tiếp của nước này và Trung tướng Abdel Fattah Abdelrahman Burhan sẽ là nhà lãnh đạo mới của hội đồng quân sự chuyển tiếp. Ông Auf cho biết ông đi đến quyết định này nhằm duy trì sự đoàn kết của các lực lượng vũ trang.
Tổng Giám đốc IMF: Kinh tế thế giới đối mặt với bất ổn
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 11/4 cho biết thế giới đang phải đối mặt với một quãng thời gian "bất trắc cao" khi 70% nền kinh tế toàn cầu rơi vào tăng trưởng chậm và tình trạng này có thể càng tồi tệ hơn bởi "những vết thương tự mình gây ra" như các cuộc chiến tranh thương mại không cần thiết.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
(Ảnh: Getty Images/AFP)
Phát biểu tại họp báo trước thềm hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra từ ngày 12-14/4 tại Washington (Mỹ), bà Lagarde cho biết tại thời điểm diễn ra hội nghị mùa Xuân năm ngoái, 75% nền kinh tế toàn cầu đạt bước tiến triển đồng thời, nhưng giờ đây, 70% nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Bà Lagarde đưa ra nhận định trên khi IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ khôi phục mức tăng trưởng mạnh hơn vào năm tới. Bà cho biết dù IMF dự báo tích cực trong năm tới, nhưng nhiều nguy cơ có thể làm sai lệch dự báo này, bao gồm những căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, gánh nặng nợ cao của các quốc gia và các tập đoàn, và những bước đi chính trị sai lầm như "cuộc ly hôn vụng về" của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà khẳng định: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn nhạy cảm."
Trong một cuộc họp báo khác, tân Chủ tịch WB David Malpass cho biết sự tăng trưởng chậm lại hiện nay của nền kinh tế toàn cầu sẽ hủy hoại các nỗ lực chống đói nghèo, đặc biệt là ở khu vực châu Phi cận Sahara. Ông cũng bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của WB nhằm xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, bất chấp thực tế Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.