Châu Á – động lực đi cùng thách thức

Thứ năm, 12/04/2018 21:51
(ĐCSVN) - Diễn đàn Bác Ngao (BFA) 2018 diễn ra ở Hải Nam, Trung Quốc trong các ngày tử 8 đến 11/4 với chủ đề “Châu Á mở cửa và sáng tạo - Thế giới phát triển thịnh vượng”. Trên bàn hội nghị, những người tham gia không chỉ bàn về những động lực thúc đẩy châu Á phát triển mà còn đề cập đến những thách thức.

 


Khai mạc Diễn đàn Bác Ngao (Ảnh: vov.vn)

Diễn đàn Bác Ngao năm nay có gần 2.000 đại biểu tham dự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị và nhấn mạnh về những thành tựu của Trung Quốc sau 40 năm cải cách, mở cửa và ông đặc biệt kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

 

Vị thế quốc tế của Diễn đàn Bác Ngao

 

Hội nghị gồm các nhà lãnh đạo, quan chức, cựu quan chức chính phủ, giới chuyên gia, học giả, đại diện các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cùng đông đảo phóng viên các nước. Trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Chritstian Lagarde... tham dự.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, điểm lại những thành tựu của Trung Quốc sau 40 năm cải cách mở cửa (1978-2018), trong đó đặc biệt nhấn mạnh về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc trong 40 năm qua đạt mức 9,5%.

Ông Tập Cận Bình cho rằng, cải cách là cuộc cách mạng lần thứ 2 của Trung Quốc, không chỉ làm thay đổi Trung Quốc mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới toàn thế giới. Trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa, nới lỏng thị trường, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, mở rộng lĩnh vực nhập khẩu và tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Tập còn cho rằng, thế giới đang bước vào một vòng phát triển mới dẫn tới một sự thay đổi lớn, đây vừa là cơ  hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với các nước do vẫn phải đối mặt với những nhân tố bất ổn, khó xác định, khiến cộng đồng quốc tế phải kiên trì hợp tác để đạt tới mục tiêu cùng thắng.

 

Ông Tập Cận Bình  nhấn mạnh: “Mở cửa, hội nhập đang là dòng chảy chính của thế giới. Lịch sử phát triển xã hội loài người cho chúng ta biết, mở cửa sẽ mang đến sự tiến bộ, đóng cửa tất nhiên sẽ bị tụt hậu... Tăng cường hội nhập là sự lựa chọn tất yếu để phát triển”.

 

Theo giới quan sát, chủ đề BFA năm nay còn là lời khẳng định vai trò tiên phong của châu Á về tăng trưởng kinh tế và mang lại cho người dân cách tiếp cận thống nhất với phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

 

Ông Manuel Teehankee, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines nhận định: BFA là một diễn đàn đối thoại quan trọng bởi nó tập trung giải quyết những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt và cách thức mà châu Á có thể đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của thế giới.

 

Phó Hiệu trưởng Đại học Indonesia, Giáo sư Adi Zakaria Afiff cho rằng, BFA có thể dẫn đến sự hợp tác và hội nhập hiệu quả nhằm đạt được thịnh vượng chung cho khu vực.

 

Còn Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul, ông Sung Nak-in khẳng định BFA là cơ hội tốt để các nước trong khu vực tăng cường hiểu biết chung về nhau cũng như nêu bật sự cần thiết phải cải cách và mở cửa. Theo ông, châu Á hiện đối mặt với nhiều khó khăn trong hội nhập vì nhiều lý do. Vì thế, chỉ có thông qua sự hiểu biết chung, thông qua đối thoại và hợp tác, thì nguy cơ xảy ra thảm họa mới có thể được loại trừ trên quy mô toàn cầu.

 

Những điểm nhấn

 

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn tiếp tục diễn ra các hội thảo xoay quanh các nội dung chủ yếu như: “châu Á mở cửa”; “cải cách và xuất phát”; “sáng tạo”... Các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý kinh tế đã thảo luận về những biện pháp vượt qua thách thức mà châu Á đang phải đối mặt.

 

Hiện, các nền kinh tế châu Á đóng góp tới hơn 30% GDP vào nền kinh tế thế giới, các nền kinh tế châu Á có mối liên hệ, tương trợ qua lại ngày càng mật thiết. Giao dịch thương mại giữa các nền kinh tế châu Á trên thực tế đã vượt qua lượng giao dịch giữa châu Á và EU.

 

Về việc đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ, nguyên Tổng thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng cho rằng, sự phát triển của kinh tế thế giới không thể tách rời châu Á. Ông Trọng cũng bày tỏ tin tưởng, các nền kinh tế châu Á có đủ năng lực thực hiện những mục tiêu phát triển của riêng mình.

 

Đối với “Báo cáo thường niên về tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Á” được đưa ra tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất mang tính không xác định mà những nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt trong năm 2018 chính là phát triển của hình thức thương mại.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, mọi biện pháp bảo hộ thương mại đều không thể giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt, tự do thương mại mới là động lực của tăng  trưởng kinh tế, mở cửa mới là tiến bộ.

Về cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tuy không phải là nội dung chính nhưng cũng là chủ đề “nóng” gây sự quan ngại và thu hút sự quan tâm đến các giải pháp hóa giải của BFA 2018.

Ông Chu Văn Trọng cho rằng, kinh tế Mỹ đang tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, phương thức và biện pháp xử lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump là không hợp lý, phát động “chiến tranh thương mại” không bao giờ là liều thuốc có thể trị dứt điểm vấn đề  kinh tế của nước Mỹ.  

 

Ông Đới Tương Long – nguyên Thống đốc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “chiến tranh thương mại” sẽ đem đến bất lợi cho cả hai nước, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc mà còn gây hậu quả liên đới đến các nước xung quanh.

 

Hầu hết các ý kiến đưa ra trong và bên lề các hội thảo đều bày tỏ mong muốn Trung - Mỹ sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn như hiện nay, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại, tạo hiệu ứng dây chuyền không tốt, ảnh hướng tới các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

 

Trung – Mỹ là hai nền kinh tế có mức độ liên quan tương đối lớn, chỉ có con đường đàm phán mới giải quyết được các cọ xát thương mại giữa hai nước. Ông Lưu Vĩnh Hảo, chủ tịch tập đoàn Xin Xiwang chuyên đầu tư nông nghiệp của Trung Quốc bày tỏ mong muốn, Trung - Mỹ sẽ đàm phán, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại.

 

Ông Hảo nói: “Tôi cho rằng, Trung Quốc đã có những phương án chuẩn bị, tuy nhiên là một doanh nghiệp tôi cũng mong muốn hai bên có thể đàm phán, tuân thủ quy định của WTO, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại, để chúng tôi yên tâm làm ăn”.

 

Theo giới phân tích, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường; từ cạnh tranh đến ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, sự tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy... buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.

 

Trong bối cảnh quốc tế nói chung, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng và hội nhập sâu rộng thông qua đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều biến đổi về chất, tạo ra rất nhiều cơ hội cần được nắm bắt và cũng gây ra nhiều khó khăn đòi hỏi giải pháp tháo gỡ.

 

Như vậy, thông điệp BFA 2018 đã khẳng định châu Á là động lực và đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới, sự phát triển dựa trên đổi mới và hội nhập đang trở thành chìa khóa dẫn tới thành công của châu lục, theo đó vai trò “dẫn dắt” đối với kinh tế toàn cầu đang gia tăng tầm ảnh hưởng của các nước châu Á.

 

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, định hướng của BFA 2018 là: tạo môi trường thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư, hội nhập; đẩy mạnh nền kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển để đem lại lợi ích cho tất cả các bên, qua đó hướng tới một tương lai châu Á trong một thế giới thịnh vượng là có cơ sở./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực