Tính tới lúc 6h sáng ngày 7/3/2020, toàn thế giới đã ghi nhận 102.044 người mắc bệnh, 3.494 người tử vong và 56.123 người được chữa khỏi. Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Pháp
Tính đến sáng 7/3, Bộ Y tế nước này cho biết đã có thêm 2 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và 230 trường hợp nhiễm mới. Như vậy, tính đến thời điểm này, Pháp ghi nhận tổng cộng 9 ca tử vong và 653 ca nhiễm Covid-19.
Điều đáng ngại là toàn bộ 13 vùng tại Pháp đều đã có dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải thừa nhận rằng đà lây lan của dịch bệnh đang trong chiều hướng “không thể cưỡng nổi”.
Trước đó, ngày 5/3, khoảng 30 chuyên gia, nhà nghiên cứu họp với Tổng thống Emmanuel Macron và các thành viên chính phủ tại điện Elysée, Paris, nhằm thảo luận, rà soát lại các biện pháp cần thực hiện trong giai đoạn 3 của kế hoạch đối phó với dịch Covid-19.
Cho đến nay, nước Pháp vẫn áp dụng các biện pháp trong giai đoạn 2 của kế hoạch chống dịch. Theo giới chuyên gia, bệnh dịch sẽ tiếp tục lây lan và nước Pháp khó tránh khỏi khả năng phải chuyển sang giai đoạn 3, tức là khi dịch lên đến đỉnh điểm.
|
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại các nước châu Âu. (Ảnh: AP) |
Tại Italy
Các kỷ lục về số ca tử vong và ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày tại Italy liên tiếp bị phá vỡ. Trong ngày 6/3, nước này tiếp tục ghi nhận thêm 49 nạn nhân thiệt mạng, nâng tổng số lên 197 người tử vong vì virus, đồng thời có 4.636 ca nhiễm, tăng thêm gần 800 ca so với cách đó 1 ngày.
Dịch bệnh đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trên lãnh thổ Italy khi trong ngày 6/3, Toà thánh Vatican cũng thông báo phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Tổng số người chết vì bệnh Covid-19 tại Italy cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Số ca nhiễm tại nước này cũng được ghị nhân cao thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran.
Chính phủ Italy vẫn đang tiếp tục theo dõi sát liệu có khả năng xảy ra tình trạng dịch tiếp tục lan rộng từ khu vực phía Bắc hay không. Hiện tất cả 22 khu vực của Ý đều đã ghi nhận ca bệnh Covid-19.
Tình hình dịch bệnh đã buộc Roma ra lệnh đóng cửa toàn bộ các trường học và chính phủ nước này cũng đã chi 7,5 tỷ EUR để chống dịch cũng như giảm thiểu tác hại kinh tế.
Số ca nhiễm dịch Covid-19 cũng liên tục được ghi nhận tại một số nước khác tại EU: Tính hết ngày 6/3, Anh ghi nhận có 163 ca nhiễm và có ca tử vong thứ 2 vì Covid-19; Đức ghi nhận 639 ca nhiễm; Tây Ban Nha có 374 người mắc Covid-19 và 5 ca tử vong mới trong ngày 6/3, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên con số 8.
Ngoài ra, Nhà chức trách Mexico ngày 6/3 ghi nhận ca Covid-19 thứ 6 ở nước này; Bồ Đào Nha và New Zealand cũng ghi nhận có 5 ca nhiễm Covid-19 tại mỗi nước…
Bộ trưởng Y tế EU nhóm họp
Ngày 6/3, Bộ trưởng Y tế các nước thành viên Liên minh EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ. Thông báo cho biết cuộc họp tập trung vào việc tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin trước các diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Theo thông báo, các Bộ trưởng nhất trí nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về mối nguy từ dịch Covid-19, cũng như phát triển cách tiếp cận chung để ngăn ngừa và bảo vệ người dân trước nguy cơ. Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết: “Phản ứng của EU trước dịch bệnh Covid-19 và hợp tác giữa các bên đã được triển khai tốt nhưng tình hình hiện đã thay đổi. Cuộc thảo luận của chúng tôi hôm nay nhằm thể hiện rằng các quốc gia EU đã sẵn sàng thay đổi cách phản ứng, tăng cường hợp tác và triển khai những biện pháp phù hợp, tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị”.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đề cập tới việc cần giám sắt chặt chẽ nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế và thuốc men ở châu Âu để đảm bảo nguồn cung.
WHO hối thúc các nước ưu tiên hàng đầu chống dịch Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/3 đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu. Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia hạn chế những tranh cãi, tập trung vào quá trình phòng dịch.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới. Ông nói: “Chúng ta đang gần đạt tới 100.000 ca xác nhận nhiễm. Dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất".
Trước đó, ngày 5/3, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 tại những nước có hệ thống y tế yếu hơn. Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO cảnh báo, trước những diễn biến hiện nay, dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát thành đại dịch. Qua đó, ông Ghebreyesus kêu gọi các nước trên thế giới cần thông qua một “cách tiếp cận toàn diện” và không được từ bỏ những nỗ lực đang theo đuổi bởi đã có những bằng chứng cho thấy, chủng virus này có thể bị kiềm chế.
Trước diễn biến dịch bệnh đang lây lan tại châu Âu hiện nay, nhiều hãng hàng không tại châu Âu đã đình chỉ nhiều chuyến bay từ vùng dịch.
Ngày 6/3, hãng hàng không Đức Lufthansa thông báo sẽ cắt giảm 50% tần suất bay của hãng trong những tuần tới, nhằm giảm bớt các thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, hãng hàng không lớn nhất châu Âu này cũng đã thông báo hủy 7.100 chuyến của riêng thương hiệu Lufthansa.
Trong khi đó, các hãng hàng không Áo cũng tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi trực tiếp từ Hàn Quốc, Iran và 2 thành phố của Italy là Milan và Bologna trong 2 tuần.
Cùng ngày, hãng hàng không KLM của Hà Lan thông báo sẽ hủy một số chuyến bay tới Italy trong tuần tới do sự bùng phát dịch bệnh lây lan nhanh chóng này tại Italy./.