|
Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: AP) |
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc đã giảm 3,4% trong quý I/2020. Theo số liệu thống kê, GDP của Nhật Bản cũng đã giảm 7,3% trong quý IV/2019 do hoạt động tiêu dùng và đầu tư bị ảnh hưởng bởi chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% từ 1/10/2019. Đây cũng được coi là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2014 khi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế của chính phủ Nhật Bản vào tháng 4/2014.
Như vậy, cùng với việc Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý IV/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kể từ năm 2015.
Các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn Quick cho hay, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 4,8% trong quý II/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến ngành sản xuất và dịch vụ du lịch của Nhật Bản điêu đứng.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế của toàn thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt là các lĩnh vực như: du lịch, hoạt động sản xuất tại nước này đều bị ảnh hưởng nghiêm trong vì COVID-19. Tiêu dùng cá nhân giảm 0,7% trong quý I/2020, đánh dấu quý thứ 2 giảm liên tiếp trong bối cảnh người dân không ra ngoài để ăn uống hay vui chơi giải trí nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 6% trong quý I/2020, trong khi chi tiêu vốn giảm 0,5% trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp tại nước này.
Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm với tốc độ trung bình vào khoảng 20% hoặc nhiều hơn trong quý II/2020. Thủ tướng Abe Shinzo đã ban hành tình trạng khẩn cấp mang tính quốc gia trong tháng 4 nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Việc này buộc các nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa. Hầu hết các khách nước ngoài bị cấm nhập cảnh, cùng với đó là du lịch nội địa của bị trì hoãn.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với 39/47 tỉnh, thành trước khi hết hạn vào cuối tháng này. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và 7 tỉnh, thành khác nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt, trong đó có 3 tỉnh giáp thủ đô gồm Chiba, Kanagawa, Saitama; 3 tỉnh ở khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo và tỉnh cực Bắc Hokkaido.
Mới đây, Nhật Bản lại quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến hết tháng 5 này. Tuy nhiên, ông đã cam kết hàng tuần sẽ cân nhắc việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn.
Ông Taro Saito, nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết: "Sự sụt giảm mạnh trong tiêu dùng cá nhân, đầu tư nhà ở và chi tiêu vốn là không thể tránh khỏi do chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia do COVID-19 khiến toàn bộ doanh nghiệp bị đóng cửa".
Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, chính phủ Nhật Bản đã ban hành gói kích thích kinh tế lớn kỷ lục trị giá 108.000 tỷ Yên (989 tỷ USD), tương đương 20% tổng GDP nước này nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Các biện pháp kích thích kinh tế sẽ bao gồm 6.000 tỷ Yên (54 tỷ USD) phát cho các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp nhỏ bị giảm thu nhập vì dịch bệnh; 26.000 tỷ Yên (238 tỷ USD) chi cho hỗ trợ giảm thuế và các phúc lợi xã hội và một số khoản vay với lãi suất 0% dành cho các công ty tư nhân.../.