Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters). Kinh tế toàn cầu suy giảm đáng kể trong năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống mức 2,3% so với 3% năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ phục hồi lên mức 2,5% vào năm 2020 và có thể tăng trưởng lên mức 2,7% vào những năm giữa thập kỷ. Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ hưởng lợi từ thu nhập cao hơn và tỷ lệ lạm phát thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng sự đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số để tăng doanh thu và giảm chi phí. Hội nghị Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 đưa ra các dự báo về tăng trưởng sản lượng nền kinh tế toàn cầu, bao gồm 11 khu vực chính, 33 nền kinh tế chủ chốt và 36 thị trường mới nổi trong giai đoạn 2020 – 2024 và 2025 – 2029.
Số liệu nghiên cứu của tổ chức The Conference Board, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ gồm các chuyên gia nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề kinh tế cho thấy, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm tới, sản xuất công nghiệp sẽ thoát khỏi đình trệ. Những thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này khi giá nhiên liệu và hàng hóa nói chung tăng và thị trường tiền tệ ổn định hơn.
Trong khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chủ yếu phụ thuộc và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, các thị trường lao động và nhà ở thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục phụ thuộc vào sự lên xuống của giá hàng hóa và năng lượng cũng như luồng vốn đầu tư từ bên ngoài.
Tình trạng sản xuất đình trệ khởi đầu xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2018 và nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới vào năm 2019, làm suy giảm các chuỗi cung toàn cầu, đẩy một số nền kinh tế (như Đức và Nhật Bản) tới bờ vực suy thoái.
Ông Bart van Ark, nhà Kinh tế trưởng của The Conference Board cho rằng: “Kinh tế toàn cầu năm 2019 bị tác động lớn bởi nhiều yếu tố, nguy cơ dẫn đến suy thoái… Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu sẽ được phục hồi trong năm tới bởi sản lượng dư thừa của Trung Quốc đang được giải quyết, các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang được cơ cấu lại, nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại giảm dần và tăng trưởng năng suất tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực”.
Mặc dù số liệu sản xuất tại một số thị trường như Đức, Ý, Nhật Bản hay Anh, cũng như một số thị trường mới nổi như Brazil, Mexico hay Thổ Nhỹ Kỳ đang suy yếu tạm thời, tuy nhiên, thị trường lao động khởi sắc và chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh sẽ là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.
Ông Ataman Ozyidirim, Giám đốc nghiên cứu về các chu trình kinh doanh và tăng trưởng của The Conference Board cho biết: “Sức tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục tăng, niềm tin kinh doanh cũng sẽ phục hồi, khi sản xuất công nghiệp tăng và căng thẳng thương mại giảm”, ông nhấn mạnh.
Theo dự báo của The Conference Board, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,2% vào năm 2020 nhờ tăng đầu tư, thị trường lao động tăng trưởng mạnh, và tăng trưởng năng suất nhanh hơn. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới cũng sẽ cải thiện ở mức 3,4%, cao hơn mức 3% tổ chức này dự báo cho Trung Quốc năm 2019./.