Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Getty Images)
Chỉ trong ngày 11/12, bà May đã gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại The Hague (Hà Lan) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Đây được xem là nỗ lực vào phút chót của Thủ tướng May nhằm thay đổi một số điều khoản trong bản thỏa thuận Brexit để có thể nhận được sự ủng hộ từ dư luận Anh.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận chính trị xem đây là “một nhiệm vụ bất khả thi” của bà May sau khi Brussels tuyên bố sẽ không thay đổi bản thỏa thuận Brexit vốn đã được EU và chính phủ Anh đồng thuận.
Phát biểu từ Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, không còn cơ hội để thực hiện việc được gọi là “đàm phán lại” thỏa thuận Brexit – vốn được ông xem là một thỏa thuận tốt nhất và khả thi nhất trong thời điểm hiện tại.
Trong một thông điệp trên trang cá nhân, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk cũng tuyên bố dứt khoát rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không “đàm phán lại thỏa thuận Brexit” và lường trước kịch bản rằng thậm chí ngay cả một thỏa thuận đã được đàm phán lại cũng sẽ bị Quốc hội Anh bác bỏ. Ông Tusk cũng nhấn mạnh thêm rằng, trong bối cảnh thời hạn chót để Brexit thành hiện thực đang tới gần, Brussels sẽ chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho kịch bản không đạt được thỏa thuận với London.
Trong khi đó, việc lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn giành chiến thắng trong cuộc tranh luận kéo dài ở Cung điện Westminster vào ngày 10/12 cũng đặt ra những thách thức mới cho bà May trong việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit. Diễn biến này đã buộc Thủ tướng Anh phải đưa ra quyết định trì hoãn tiến hành bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận này tại Hạ viện so với thời điểm ấn định ban đầu là vào ngày 11/12.
Hiện thời điểm cụ thể để Hạ viện Anh bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, một số nhà chính trị Anh dự báo rằng, công việc này sẽ được thực hiện vào những tuần đầu tiên của năm 2019. Trong một tuyên bố ngắn gọn đưa ra ngày 11/12, một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết, Chính phủ sẽ bảo đảm việc bỏ phiếu về kế hoạch Brexit sẽ được nối lại tại Hạ viện vào trước ngày 21/1/2019. Đây được xem là thời hạn cuối cùng có thể tạo đủ khoảng trống về thời gian để Quốc hội Anh hoàn tất mọi thủ tục liên quan tới tiến trình Brexit, trước khi Anh rời khỏi ngôi nhà chung vào tháng 3/2019.
Hiện Thủ tướng May đang đặt hy vọng vào kịch bản sẽ nhận được những “sự bảo đảm rõ ràng hơn” từ EU về vấn đề biên giới giữa tỉnh Bắc Ireland và Ireland. Dù cả Anh và EU đều tuyên bố không muốn quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai vùng lãnh thổ này, song nếu trở thành sự thật thì kịch bản sẽ phải cần tới sự phê chuẩn của Brussels để có thể đảo ngược. Điều này được cho là có nguy cơ khóa chặt Anh vào tình huống phải tuân theo các nguyên tắc của EU trong một khoảng thời gian “chưa biết đến bao giờ mới kết thúc”. Chính điều này đã dẫn tới một tâm lý lo ngại rằng, tất cả các nghị sỹ thuộc các đảng phái tại Anh, đặc biệt là các nhà chính trị tại Bắc Ireland sẽ bác bỏ thỏa thuận Brexit do bà May đưa ra.
Các tờ báo lớn của Anh, ngày 11/12 cũng đăng tải những bài viết chỉ rõ tình thế khó khăn mà bà May đang phải đối mặt trong vấn đề Brexit – điều đã dẫn tới việc Thủ tướng Anh phải đưa ra quyết định trì hoãn bỏ phiếu tại Hạ Viện. Tờ Daily Mail cùng ngày có bài biết với tựa đề “Lần tung xúc xắc cuối cùng của bà May”, cho rằng vị nữ Thủ tướng không còn nhiều cơ hội và thời gian khi mà thời hạn chót để Brexit trở thành hiện thực đang tới gần. Trong khi đó, trang nhất của tờ “Người bảo vệ” đăng tải bài viết cho rằng bà May đang đưa ra kế hoạch B một cách tuyệt vọng để có thêm thời gian trong vấn đề Brexit./.