Trung Quốc hành động nhằm thúc đẩy kinh tế

Thứ hai, 09/09/2019 18:53
(ĐCSVN) – Trung Quốc đang thực thi các biện pháp tăng cường nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang rơi vào suy yếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) vào ngày 16/9 nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính, giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang.

Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong vòng 8 tháng và mức cắt giảm này sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng tới. Động thái này sẽ bơm thêm 900 tỷ nhân dân tệ (CNY) (126 tỷ USD) cho hệ thống tài chính.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ trong quý II. Sản xuất công nghiệp, một chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng có mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong vòng 17 năm. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải vật lộn với sự giảm tốc từ thương chiến với Mỹ, cũng như nước này đang phải đối mặt với những thách thức từ các khoản nợ ở thị trường nội địa.

PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 7 lần kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, các nhà phân tích hy vọng rằng áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa.

Theo nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Nomura (Nhật Bản), việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng quan ngại về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế và muốn ổn định tăng trưởng.

Việc PBOC đưa ra quyết định hạ lãi suất sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi việc tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại cuộc họp cấp cao dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ tăng trưởng việc làm, tài chính và thương mại.

Với việc Mỹ chính thức áp gói thuế bổ sung mới lên hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9 và dọa tung thêm đòn thuế từ ngày 1/10 và 15/12, một số chuyên gia kinh tế gần đây ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới sẽ dưới mức 6%, tức đi ngược lại mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.

Theo số liệu của Bloomberg, trong tháng 8, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và sản xuất đang tiếp tục suy giảm.

Quyết định của PBOC được đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận nước này sẽ nối lại đàm phán thương mại với Mỹ vào đầu tháng 10 tới, làm dấy lên hy vọng về khả năng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới hạ nhiệt.

Một số ngân hàng sẽ hạ lãi suất 1% điểm cơ bản để thúc đẩy việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân. Các quan chức cấp cao cũng chỉ ra trong tuần này họ có kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với chính quyền địa phương liên quan đến việc huy động tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Hơn 30 Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã cắt giảm lãi suất trong năm nay giữa lo ngại các căng thẳng thương mại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay tại cuộc họp chính sách vào ngày 17 – 18/9 tới đây. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng trưởng 2,1% trong quý vừa qua, giảm từ mức tăng 3,1% trong quý I năm nay.

Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8 cũng bất ngờ thu hẹp lần đầu tiên trong 3 năm. Ngân hàng UBS, Mỹ cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ chững lại và có khả năng rơi vào suy thoái ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm 2020 do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc./.

 

 

Hoài Hà (Theo CNN, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực