Hàng hóa được xếp tại Cảng Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters) Dữ liệu ảm đạm của nền kinh tế đang gia tăng thách thức đối các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản khi thương chiến Mỹ - Trung kéo dài sẽ làm nhu cầu toàn cầu suy yếu và làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Tháng 7, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu được Bộ Tài chính nước này công bố ngày 19/8. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm là do xuất khẩu phụ tùng ô tô và thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang thị trường Trung Quốc giảm. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,2% trong tháng 7.
Xuất khẩu Nhật Bản giảm 8 tháng liên tiếp, đánh dấu chu kỳ giảm dài nhất kể từ chu kỳ kéo dài 14 tháng từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2016.
Số liệu thống kê cho thấy, tháng 7 sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong đó, thiết bị sản xuất chất bán dẫn giảm 31,5%, phụ tùng ô tô giảm 35% và hàng điện tử giảm 19%.
Sản lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Á, thị trường tiêu thụ của hơn một nửa tổng lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản giảm 8,3% tính đến tháng 7.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, mặc dù hoạt động vẫn duy trì ổn định, nhưng sự căng thẳng thương mại quốc tế đã ảnh hưởng đến lòng tin đối với các nhà sản xuất tại Nhật Bản.
Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung, vốn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm suy yếu thương mại, đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính cho biết, xuất khẩu Nhật Bản sang Mỹ tăng 8,4% tính đến tháng 7 nhờ sự tăng vọt của thiết bị sản xuất chất bán dẫn, máy móc xây dựng, khai thác mỏ và máy bay, đánh dấu xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang thị trường Mỹ tăng tháng thứ mười liên tiếp kể từ mức tăng 4,9% vào tháng 6.
Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Nhật Bản cũng tăng 3,5% trong tháng 7, khiến thặng dư thương mại của Nhật Bản so với nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 579,4 tỷ yen (8 tỷ USD).
Theo dự kiến, Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc đối thoại song phương cấp bộ trưởng trong tuần này. Theo đó, các vấn đề còn tồn tại nhiều vướng mắc như xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm sữa của Mỹ vào Nhật Bản cũng như ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản vào Mỹ sẽ được tập trung thảo luận
Vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra thời hạn 6 tháng để có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên sau chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 4 ngày từ 25-28/5/2019 của Tổng thống Trump, ông cho biết mong muốn đạt thỏa thuận song phương vào 8/2019, sớm hơn rất nhiều so với dự kiến./.