Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những cơ hội, thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ mở ra những cơ hội nào đối với lao động Việt Nam?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Ngày 31/12/2015, toàn khối ASEAN đã hình thành một cộng đồng "thống nhất trong đa dạng", với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC); Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).
Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Trong khối này, ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm từ nay cho đến năm 2025.
Không thể không nói đến một lợi ích thiết thực nhất của việc ra đời AEC là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Điều đó có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Đối với người lao động, nhờ sự thỏa thuận này, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội học tập và làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp phát triển của các nước trong AEC, đồng thời cũng làm thúc đẩy nguồn nhân lực, đặc biệt với giới trẻ, tạo dựng tinh thần tự học tập, nâng cao trình độ tay nghề, và đặc biệt là ngoại ngữ.
Đối với người sử dụng lao động đó chính là khả năng tìm kiếm, tuyển dụng lao động có chất lượng cao từ các nước trong khối, đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc mà họ muốn tuyển khi lao động trong nước không đáp ứng được.
Người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội học tập và làm việc
trong các môi trường chuyên nghiệp phát triển của các nước trong AEC (Ảnh: KT)
PV: Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhưng chắc cũng sẽ có những hạn chế, những thách thức không nhỏ?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đúng là khi gia nhập cơ hội rất nhiều nhưng thách thức không phải là ít. Thách thức đầu tiên là tuy lực lượng lao động của nước ta dồi dào nhưng chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Thứ hai, muốn dịch chuyển lao động thì phải có ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ cũng là một điểm hạn chế của lao động Việt Nam. Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Người Việt Nam được đánh giá là cần cù, sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng khi bạn không giao tiếp được, không chia sẻ được thì sáng tạo, sáng kiến cũng “ngủ yên”, không đưa được vào thực tiễn đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Một thách thức khác là hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế; thị trường lao động hiện tại là thống nhất, không rào cản, nhưng thông tin thị trường lao động dường như bị chia cắt, tổ chức theo từng tỉnh, thiếu chia sẻ trong vùng, miền và cả nước; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước.
PV: Hội nhập AEC có nghĩa là trước mắt có 8 ngành nghề được di chuyển, và lâu dài hơn sẽ có nhiều ngành nghề. Nhiều vị trí việc làm của lao động Việt Nam có thể sẽ do lao động của các nước khác đảm nhận. Vậy giải pháp nào để bảo vệ việc làm lao động Việt Nam?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Để bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước cần cả những giải pháp chủ động và các biện pháp kỹ thuật. Giải pháp chủ động là các giải pháp giúp lao động trong nước lấp đầy các vị trí việc làm trước khi lao động nước ngoài tràn vào; giải pháp kỹ thuật là các quy định về điều kiện cấp phép để làm chậm lại việc lao động nước ngoài chiếm lĩnh các vị trí việc làm đó.
Về các giải pháp chủ động, các giải pháp chủ động liên quan đến việc chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu đáp ứng được yêu cầu của các vị trí cần tuyển, giúp người sử dụng lao động có thể tuyển được lao động trong nước.
Một là, chúng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo mà một trong những tư tưởng quan trọng là lấy sự chấp nhận của thị trường lao động làm thước đo hiệu quả của giáo dục và đào tạo. Nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ đã được thể hiện trong Nghị quyết; quan trọng nhất là phải đổi mới cơ chế kế hoạch hóa đào tạo; phải nắm bằng được nhu cầu của thị trường và đấy phải là nền tảng để xây dựng kế hoạch đào tạo.
Hai là, cần tổ chức tốt hơn hệ thống thông tin thị trường lao động, cả thị trường trong nước để giới thiệu và chắp nối việc làm trong nước, giúp người lao động Việt Nam tiếp cận đến các vị trí làm việc trong nước trong thời gian ngắn nhất; phải cung cấp được cả thông tin thị trường lao động ngoài nước để giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận.
Ba là, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần tổ chức lại nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hết thời hạn tuyển dụng, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài.
Bốn là cần nâng cao năng lực của các trung tâm dịch vụ việc làm, ít nhất là ở chỗ đánh giá các yêu cầu của các vị trí cần tuyển, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo các yêu cầu đạt ra là thực sự cần thiết, đúng với yêu cầu của vị trí việc làm, hạn chế tình trạng doanh nghiệp đặt yêu cầu quá cao nhằm tuyển dụng lao động nước ngoài.
Năm là phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động; làm cơ sở cho đổi mới công tác kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo, kể cả đào tạo nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo, hợp lý cả về số lượng, cơ cấu và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nói về các giải pháp kỹ thuật thì ở đây là đặt ra các hàng rào kỹ thuật. Nhưng đặt ra các hàng rào kỹ thuật cũng cần đáp ứng cả hai mục tiêu: một là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn; hai là vẫn phải đạt được mục tiêu bảo vệ việc làm trong nước. Ít nhất có mấy vấn đề đặt ra; đó là: Cấp giấy phép cho lao động nước làm việc tại Việt Nam; Quản lý lao động nước ngoài làm việc lại Việt Nam sau khi được cấp phép, nhất là việc dịch chuyển vị trí và nơi làm việc; các biện pháp kỹ thuật khác, ví dụ chuẩn tiếng Việt tối thiểu để làm việc tại Việt Nam.
PV: Vấn đề trình độ nhân lực như Thứ trưởng đã nói là một điểm yếu của chúng ta khi hội nhập. Vậy để giải quyết những hạn chế về nhân lực cần tập trung thực hiện những giải pháp gì?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của AEC, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm. Với quyết tâm không để bỏ qua cơ hội này, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó.
Để có thể nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, việc đầu tiên là cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp đồng bộ các chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giáo dục đào tạo và các chính sách kinh tế. Để làm sao thu hẹp được khoảng cách giữa các kỹ năng được đào tạo trong nhà trường với kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp.
Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
PV: Nhân dịp năm mới, với những cơ hội và thách thức khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN như đã phân tích ở trên, Thứ trưởng có lời nhắn gửi gì đến người lao động?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Xuân Bính Thân đã đến, trước hết tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới từng nhà, từng người một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc, sum vầy.
Tôi muốn nhắn gửi đến người lao động rằng khi tham gia AEC, để nắm bắt được cơ hội, trước hết người lao động cần cố gắng có kiến thức kỹ năng theo khung trình độ đòi hỏi, đồng thời cần tự tìm hiểu, trau dồi thêm các kỹ năng. Đặc biệt, người lao động còn cần có ngoại ngữ, rèn luyện kỷ luật, tác phong công nghiệp và các kỹ năng mềm khác để có thể nắm bắt cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng! /.