Chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ hội để thầy cô thay đổi

Chủ nhật, 24/03/2019 17:19
(ĐCSVN) - Trong chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Quảng Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm, trò chuyện với giáo viên Trường Mầm non xã Quế Thuận và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới thăm Trường mầm non xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam (Ảnh: Minh Thu)

Con mình gửi cho người khác trông…

Thông tin được giáo viên Trường Mầm non xã Quế Thuận chia sẻ với người đứng đầu ngành Giáo dục là những nỗ lực, cố gắng của một tập thể với gần 30 giáo viên, chăm sóc, dạy dỗ trên 300 học sinh trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đời sống thu nhập của giáo viên, nhân viên còn nhiều khó khăn.

Đồng cảm với những khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, thời gian qua, giáo dục mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu và chưa thực sự tạo ra động lực để giáo viên yên tâm gắn bó với công việc.

“Áp lực với giáo viên mầm non rất lớn, không chỉ nuôi mà còn phải dạy dỗ. Đòi hỏi của phụ huynh đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng ngày càng cao trong khi điều kiện làm việc, chế độ tiền lương chậm được cải thiện.

Tôi biết có những cô giáo ở đây, con mình thì gửi cho người khác trông, còn mình dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con người khác. Con mình ốm là chuyện nội bộ, còn các cháu ở trường ốm là chuyện công khai và đôi khi phải chịu áp lực từ phụ huynh. Tôi rất hiểu và chia sẻ” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang xây dựng thang bảng lương mới, trong đó có lương giáo viên, đây sẽ cơ sở để tới đây sẽ có những đổi mới về chính sách tiền lương, tạo động lực cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng trước yêu cầu đổi mới, Bộ trưởng mong muốn đội ngũ giáo viên mầm non sẽ không ngừng vươn lên học tập, cập nhật nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình đổi mới giáo dục mầm non, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, tạo uy tín, niềm tin với phụ huynh và xã hội.

“Những khó khăn có thể từng bước khắc phục nhưng nếu không tâm huyết với nghề sẽ có thể dẫn tới phát sinh “tai nạn nghề nghiệp”. Thời gian qua, chúng ta nghe chỗ này, chỗ kia vẫn có một số sự việc xảy ra ở trường mầm non, đây là bài học để mỗi nhà trường, mỗi giáo viên có thêm kinh nghiệm trong quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện và tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục mầm non phát triển. Đồng thời, đề nghị chính quyền, ngành giáo dục địa phương có những chính sách hỗ trợ theo phân cấp, huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường mầm non, đảm bảo đủ định biên giáo viên mầm non và đảm bảo về giờ giấc làm việc để giảm áp lực cho giáo viên mầm non.

“Tất cả đều phải có trách nhiệm chung tay xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực sự tôn trọng, nâng niu trẻ. Gia đình, cộng đồng xã hội cũng cần có cái nhìn thấu hiểu để chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, áp lực của nhà trường và giáo viên. Có như thế, giáo viên mới có động lực, niềm tin và niềm vui trong công việc” - Bộ trưởng nêu rõ.

Hãy là người thầy truyền cảm hứng…

Tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dành thời gian lắng nghe và trao đổi những băn khoăn của đội ngũ giáo viên xung quanh việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng cho biết, trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông lần này là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất năng lực người học, người thầy không chỉ giảng dạy mà còn là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Muốn làm được như vậy, người thầy phải thay đổi.

“Chúng ta hướng đến đào tạo những học sinh không chỉ biết gì mà là làm được gì, những học sinh không chỉ biết kiếm việc mà còn tạo ra công việc. Chúng ta cũng hướng đến có những người thầy không chỉ giỏi về truyền thụ kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho học trò. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để thầy cô thay đổi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm và làm việc tại trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Ảnh: Minh Thu)

Về sách giáo khoa, Bộ trưởng thông tin, sách giáo khoa của lần đổi mới này sẽ không nặng nề như trước mà chỉ là tài liệu để theo đó giáo viên đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Giáo viên sẽ được thỏa sức sáng tạo, chủ động xây dựng bài giảng, khắc phục tình trạng giáo án “rập khuôn” như hiện nay.

Trước băn khoăn của một số giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ về việc thiếu thốn cơ sở vật chất, nhất là các phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành danh mục thiết bị môn học để các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động có phương án đầu tư. Tuy nhiên, sẽ trên tinh thần tận dụng triệt để những thiết bị, điều kiện hiện có và đầu tư có lộ trình.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ở mỗi môn học sẽ có sự thay đổi rất lớn, không còn bó hẹp trong những nội dung nặng về lý thuyết mà tăng tính thực hành, thực tiễn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương pháp mô phỏng, đồ họa trong thiết kế các bài giảng. Điều này vừa tạo sự hứng thú cho học sinh, đồng thời giúp giảm bớt chi phí đầu tư cơ sở vật chất.

“Cái gì mới chúng ta phải học dần dần, khi nào nắm bắt chắc chắn thì bắt tay vào làm. Nhưng làm với tinh thần không ngại đổi mới. Tất cả chúng ta phải kiên định thực hiện đổi mới, chứ không phải thấy khó khăn phía trước là chùn bước. Mỗi địa phương, mỗi trường học cần tùy vào điều kiện để có những giải pháp thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bám sát những mục tiêu đã đề ra” - Bộ trưởng nêu rõ.

Chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý nhà trường cần bám sát đề thi tham khảo, quy chế thi để chủ động tổ chức dạy học, giúp  học sinh yên tâm học tập. Ngành Giáo dục địa phương cũng cần tập trung cho công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, nhẹ nhàng, không để xảy ra sai sót trong các khâu của kỳ thi.

Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt của ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực