Cuộc “cách mạng” về chính sách tiền lương

Thứ sáu, 04/05/2018 21:57
(ĐCSVN) – Cải cách chính sách tiền lương là một nhu cầu cấp thiết, là mong mỏi của mỗi cán bộ, công chức và viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp...

 

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: HN)


Tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII sẽ diễn ra từ ngày 7 -12/5/2018. Tại Hội nghị rất quan trọng này, Trung ương sẽ bàn về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội bởi chủ đề nóng bỏng, thiết thực với mỗi người.

Chính sách tiền lương là một trong những chính sách kinh tế-xã hội hết sức cần thiết và cấp bách của quốc gia, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước. Nó có mối quan hệ mật thiết và tác động đa chiều đối với động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Chính sách tiền lương hiện hành là dựa trên nền tảng cải cách chính sách tiền lương được quy định tạm thời thực hiện từ năm 1993, được cải cách lần gần đây nhất là tháng 10/2004.

Thực tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhiều lần, góp phần cải thiện đời sống công chức, viên chức, người lao động thúc đẩy họ sáng tạo, hăng say trong công việc. Ví dụ như, từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần; trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần (từ ngày 1-7-2018 mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90 nghìn đồng/tháng).

Thế nhưng, chế độ tiền lương của chúng ta đã để quá lâu - 14 năm, trong khi kinh tế xã hội biến động mạnh nên đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đánh giá, chính sách tiền lương vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, phát huy tài năng và cống hiến. Tiền lương thấp hầu như không khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ; rèn luyện, tu dưỡng để thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, gắn bó với nhà nước, không thu hút được nhân tài; dẫn đến hiện tượng nhiều công chức, viên chức giỏi, có tài chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với mức lương cao. 

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, chính những mâu thuẫn này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và viên chức như tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu vòi vĩnh, lười biếng theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chân ngoài dài hơn chân trong, không chuyên tâm với công việc...

Hơn nữa, chênh lệch thu nhập giữa nội bộ người hưởng lương là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng lớn... cũng đang là một vấn đề bất cập hiện hữu.

Từ những vấn đề trên cho thấy, rõ ràng việc cải cách chính sách tiền lương là một nhu cầu cấp thiết. Đó không chỉ là mong mỏi của mỗi cán bộ, công chức và viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp mà cũng là để phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước, khi Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới.

Cũng xin được khẳng định lại, vấn đề cải cách tiền lương luôn được quán triệt tại các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vấn đề tiền lương được nhắc đến nhiều lần: “Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động”, “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý”, “đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng”, “Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương”...

Như vậy, đã đến lúc phải cải cách toàn diện cả tháng lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bộ số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho lương cũng là đầu tư cho phát triển.

Được biết, trong thời gian xây dựng Đề án, nhiều khảo sát, đánh giá, hội thảo, tham vấn ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia, các nhà khoa học đã được tổ chức để cải cách chính sách tiền lương thực sự có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và khả thi.

Người lao động kỳ vọng, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận quyết sách nhiều chính sách mới để cải cách chính sách tiền lương cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới; sẽ đề ra nhiều nội dung đột phá, thực sự tạo động lực cho người lao động hưởng lương. 

Theo đó, hệ thống bảng lương mới cần căn cứ theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Hệ thống bảng lương này gồm một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: một bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Cần sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.

Đối với khu vực doanh nghiệp rất cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp. Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Lời giải cho vấn đề cải cách chính sách tiền lương đã rõ ràng. Những điểm mới tại Đề án đã nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Song cải cách tiền lương vẫn luôn là một vấn đề quá khó khăn, gồm nhiều nội dung, phức tạp vì đụng chạm đến mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, liên quan đến khả năng chi trả của ngân sách...

Kinh nghiệm cho thấy, trong suốt quá trình cải cách, khu vực khó cải cách nhất là khu vực công. Cần thẳng thắn nhìn nhận nếu không giảm được biên chế thì không sao cải cách được tiền lương. Tức con đường bắt buộc phải đi qua là sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động.

Đặc biệt, việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; phải coi việc đào tạo nâng cao trình độ của những người công chức hành chính là một công việc hệ trọng đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế. Đồng thời, tuyển dụng được những người có tài, có đức và kiên quyết đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi đội ngũ công chức. Tất nhiên là con đường này sẽ gặp vô vàn khó khăn, cần bản lĩnh của các nhà lãnh đạo cũng như sự ủng hộ của toàn dân thì mới hy vọng có được thành công.

Không cải cách lương thì không thể tạo động lực cho người lao động sáng tạo, cống hiến. Quyết tâm chính trị về cải cách chính sách tiền lương đã được thể hiện rõ. Vấn đề còn lại là phải cải cách thực sự để biến quyết tâm chính trị thành hiện thực. Kỳ vọng rằng, Hội nghị Trung ương 7 sẽ tạo dấu mốc quan trọng trong vấn đề cải cách tiền lương./.

 

 

 

Thanh Hoa - Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực