Dân chủ, đổi mới, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của cử tri

Thứ sáu, 14/06/2019 21:32
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, kịp thời chuyển tải ý nguyện của cử tri đến nghị trường.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã khép lại thành công. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Kỳ họp lần này Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ rất tốt. Những nội dung thảo luận được các đại biểu tranh luận rất sôi nổi, nhiệt huyết thể hiện trách nhiệm của những người đại diện cho cử tri cả nước. Đặc biệt, đối với một số dự án Luật, điều luật còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã điều hành để xin ý kiến quyết định theo đa số, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, minh bạch... được cử tri đồng thuận và đánh giá cao.

Đánh giá về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho biết, đây là cách làm rất hiệu quả. ĐB Trường Giang cho rằng, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỳ họp lần này rất hiệu quả, giảm bớt việc dùng giấy, giúp các ĐBQH có cơ hội tiếp cận các nguồn tài liệu khác nhau thuận lợi hơn, giúp ĐBQH tiếp cận thông tin rộng hơn, cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các ý kiến đóng góp, góp phần không nhỏ vào thành công và chất lượng của kỳ họp.

 

ĐBQH  Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội). Ảnh: TH.


Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, Kỳ họp lần này áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động, những tài liệu được cập nhật liên tục rất tiện lợi cho các ĐBQH khi tra cứu tài liệu, nghiên cứu, cho ý kiến về các dự án luật. "Trước đây, mỗi ĐBQH phải ôm mấy chục kilogam tài liệu thì nay đã gọn nhẹ hơn nhiều bằng những phần mềm tiện ích”, ĐB nói.  

Theo ĐB Tuấn, đây là một bước tiến quan trọng trong xây dựng Quốc hội điện tử, đồng thời còn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần tiếp tục phát huy tại các kỳ họp sau của QH.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ đặc biệt ấn tượng với sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp. Sự nhịp nhàng, linh hoạt và xử lý tình huống rất sắc sảo của Chủ tịch QH đã đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp nói chung, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng.

Cùng với đó, ĐB Tuấn nhận định, các ĐBQH cũng có nhiều ý kiến chất vấn sắc bén, nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát những vấn đề “nóng” đời sống kinh tế - xã hội; phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với nghị trường QH. Những vấn đề “nóng” được các trưởng ngành, thành viên Chính phủ trả lời cơ bản khoa học, đưa ra các giải pháp cụ thể được cử tri, ĐBQH hài lòng.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ: Đây là kỳ họp thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những dự thảo luật liên quan đến tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Tại kỳ họp này, tính dân chủ, trí tuệ của đại biểu được phát huy.

Đặc biệt, ĐB Quyết Tâm cho hay, tại kỳ họp này, tranh luận của các ĐBQH thể hiện sự dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, tranh luận cùng với thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Nhiều ĐBQH đã phát biểu rất thẳng thắn, không né tránh, điều đó cũng cho thấy, trách nhiệm của ĐBQH đã được nâng cao hơn.

 

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TH.


Cũng theo ĐB Quyết Tâm, thành công của kỳ họp này có phần đóng góp rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan chuẩn bị dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Những dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp này đều thể hiện sự lắng nghe ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Đánh giá kỳ họp thứ 7 cơ bản đã hoàn thành chương trình, mục tiêu đề ra, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian thảo luận của một số dự án luật còn ít, nhiều ĐBQH đăng ký nhưng chưa được phát biểu, như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hay dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

“Tôi mong rằng, ở kỳ họp lần sau, Quốc hội sẽ bố trí thời gian thảo luận hợp lý hơn đối với các dự án luật quan trọng hay còn nhiều ý kiến khác nhau để các ĐBQH  thảo luận cho thật kỹ lưỡng, thấu đáo”, ĐB Hòa đề xuất.

ĐB Hòa khẳng định, sẽ giám sát với các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn, những vấn đề Bộ trưởng hứa với cử tri và ĐBQH có thực hiện được hay không và thực hiện đến đâu, có “đến nơi đến chốn” hay không?. Nếu chưa thực hiện vẫn tiếp tục kiến nghị bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp qua văn bản và giải thích cho cử tri cho rõ.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Dù thời gian diễn ra không dài nhưng kỳ họp đã giải quyết được nội dung công việc khá lớn, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đồng thời, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng nguyên tắc; không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng... Tính tranh luận, phản biện trong Kỳ họp này nhiều hơn, không chỉ giữa Bộ trưởng với ĐBQH mà cả giữa các ĐBQH với nhau.

“Theo tôi, cần tăng thời gian tranh luận lên, bởi tranh luận thể hiện được tính phản biện để rút ra các vấn đề cần tiếp thu ý kiến ĐBQH”, ĐB Lợi kiến nghị.

Tuy nhiên, ĐB Lợi cho rằng việc lấy ý kiến ĐBQH về các điều luật còn ý kiến khác nhau nên giữ lại hình thức bằng văn bản, không nên bấm nút điện tử. Vì trên thực tế, có thể có ĐB đọc rất kỹ, nhưng cũng có ĐB lúc trước vắng mặt không nắm rõ nội dung.

“Nếu đọc bằng văn bản thì sẽ rất rõ ràng, cụ thể được ưu điểm, nhược điểm từng phương án, độ chính xác lựa chọn cao hơn”, ĐB Lợi bày tỏ.

 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Phó trưởng Ban dân nguyện của UBTVQH. Ảnh: TH.


Đánh giá tổng thể chung kỳ họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Phó trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tính dân chủ trong Quốc hội được thể hiện cao hơn. Cử tri đánh giá và kỳ vọng cao vào kết quả, việc tổ chức của Quốc hội, việc chuẩn bị của UBTVQH, Chính phủ.

Tuy nhiên, ĐB Nhưỡng cũng bày tỏ băn khoăn khi chất lượng chuẩn bị dự án luật chưa cao, có trường hợp “chống cháy”. Điều này đặt ra Quốc hội cần yêu cầu quyết liệt hơn nữa về chất lượng, tiến độ các dự án Luật.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra còn một số dự luật đưa ra lấy ý kiến các điều luật tỷ lệ chưa cao cho thấy chất lượng thẩm tra chưa thực sự khách quan, toàn diện, chưa có độ sâu nên thiếu sự đồng thuận. Ngược lại, cho thấy Quốc hội hoạt động rất trách nhiệm, không “xuôi chiều”, đặt ra những vấn đề yêu cầu Chính phủ, các UBTVQH tăng cường hơn nữa chất lượng để đảm bảo khi trình ra Quốc hội phải đạt yêu cầu.

Đề cập đến việc sẽ thực hiện giám sát lời hứa của các Bộ trưởng như thế nào?, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đối với những vấn đề hỏi chưa rõ thì tiếp tục giám sát bằng cách có phiếu chất vấn bằng văn bản, thể hiện quan điểm rõ ràng qua truyền thông. Đồng thời, có các chương trình riêng về tiếp xúc cử tri và khảo sát thực tiễn để kiểm tra. Theo ĐB Nhưỡng, các ĐBQH, bên cạnh công tác giám sát cần có trách nhiệm chung với xã hội, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri và quyết liệt, nghiêm túc theo đuổi các kiến nghị…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực