Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của mảnh đất xứ Lạng trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn biên soạn đề cương tuyên truyền gồm các nội dung: khái lược thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ; những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước; những bài học quý báu từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam, tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng, giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội).
Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.
Trước giờ phút hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội) vào rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường
ngày 24/5/1944 – Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại những bài học quý báu. Đó là bài học về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân. Ngay từ khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, với lập trường của người yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm tham gia hưởng ứng các cuộc vận động do tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát động.
Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn trong nước và nước ngoài. Khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng bào, đồng chí.
Đó cũng là bài học về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc.
Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân; mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là bài học về tác phong của người lãnh đạo cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hoà đồng với nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình rất hữu ích cho công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ trong sạch; xây dựng đoàn kết nội bộ, gây dựng tình cảm thân ái, tôn trọng lẫn nhau.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó, khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.