Giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng cao?

Thứ ba, 23/04/2019 20:34
(ĐCSVN) – Ngày 22/4, Nhà Trắng thông báo: Bắt đầu từ tháng 5/2019, chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. Ngay lập tức, nhiều nước đã bày tỏ quan điểm trước diễn biến này.

Biện pháp gây sức ép của Mỹ lên nền kinh tế Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định quyết định của Mỹ là nhằm ngăn chặn hoàn toàn cơ hội xuất khẩu dầu mỏ của Iran. (Ảnh: CNBC)

Tháng 11/2018, chính quyền Washington đã thông báo cấm các nước mua dầu mỏ của Iran sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran và nhóm P5+1 (gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký kết hồi năm 2015.

Tuy nhiên, Mỹ đã áp dụng quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không bị trừng phạt gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc). Lệnh miễn trừ này có hiệu lực trong vòng 180 ngày và sẽ chấm dứt vào ngày 2/5 tới. Việc chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt sẽ khiến các nước và vùng lãnh thổ này gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Phát biểu trước phóng viên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định biện pháp này được đưa ra nhằm mục đích chặn đứng hoàn toàn cơ hội xuất khẩu dầu mỏ của Iran, từ đó có thể ngăn cản Iran tiếp cận với những dòng tiền được sử dụng để gây bất ổn khu vực Trung Đông, đồng thời khuyến khích Iran theo đuổi một lối hành xử “thông thường”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ từ Iran sẽ khiến giá dầu trên thị trường quốc tế bị đẩy lên cao. Liên quan tới vấn đề này, Mỹ khẳng định nước này đang hợp tác với Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để bảo đảm duy trì nguồn cung dầu mỏ phù hợp.

Những phản ứng trái chiều

Hiện dư luận đang quan tâm tới việc các nước sản xuất dầu mỏ sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể gì nhằm cân bằng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường sau động thái mới nhất của Mỹ. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những phản ứng trái chiều liên quan tới vấn đề này.

Một tàu chở dầu của Iran. (Ảnh: PressTV)

Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh quyết định trên của Mỹ và xem đây là điều đóng vai trò “vô cùng quan trọng”.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ – nước hiện đang được hưởng lệnh miễn trừ của Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố mới nhất do Nhà Trắng vừa đưa ra. Trong thông điệp đăng trên Twitter, ngày 22/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã chỉ trích động thái trên của Mỹ và cho rằng điều này sẽ không chỉ tác động tới hòa bình, hòa bình khu vực, mà còn gây tổn hại đến người dân Iran. Ông Cavusoglu bày tỏ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bác bỏ các biện pháp trừng phạt và áp đặt đơn phương liên quan tới cách thức điều chỉnh mối quan hệ giữa nước này với láng giềng Iran.

Ả rập Xê út – nước có sản lượng lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại tuyên bố đang giám sát chặt chẽ sự dao động về giá của mặt hàng “vàng đen” trên thị trường thế giới sau tuyên bố trên của Mỹ. Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út cho biết nước này sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm duy trì tình trạng cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới.

Giá dầu sẽ tiếp tục tăng?

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố lệnh siết lệnh trừng phạt Iran. Trong phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu Brent tăng 2,9%, lên mức 74,04 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.

Bà Sara Vakhshouri - một tư vấn viên thuộc Công ty tư vấn SVB Energy International có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, các biện pháp nhằm cắt đứt hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường và giá dầu mỏ.

Trong khi đó, công ty tài chính Barclays của Anh lại lưu ý rằng, động thái mới nhất của Mỹ có nguy cơ sẽ dẫn tới “một sự thắt chặt đáng kể đối với thị trường dầu mỏ thế giới”.

Một số nhà phân tích lại dự báo về khả năng giá dầu sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới với nguyên nhân không chỉ xuất phát từ các biện pháp gây sức ép mới nhất do Mỹ vừa đưa ra mà còn bởi các cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Venezuela và Libya. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, Mỹ sẽ khó đạt được mục tiêu đưa mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran về ngưỡng 0 bởi nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn có thể áp dụng các phương thức để né tránh các lệnh trừng phạt./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực