Quang cảnh một góc lễ hội. Ảnh QC
Tham dự lễ hội có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo một số Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, đại diện các Sở ban, ngành của tỉnh Hà Nam; huyện Duy Tiên cùng hàng nghìn người dân và du khách địa phương.
Theo lịch sử ghi chép, cách đây 1029 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền được coi như một ngày Quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa lớn về nhân văn, khuyến khích nhân dân lao động sản xuất.
Cày những sá đất đầu tiên mở ra mùa vụ mới bội thu cho muôn dân. Ảnh QC
Trong bản văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã báo cáo những thành tích mà Hà Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời bày tỏ lòng thành kính trước linh vị đấng minh quân đã khai sinh ra một mỹ tục đẹp cho nhân dân phát huy muôn đời.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi lễ dâng hương tiên tổ đã khai sáng ra Lễ hội tịch điền – một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, hướng cho người ta chăm chỉ lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tiếp đến là lễ bái yết Thần nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau đó là màn trống khai hội của đội trống nữ làng Đọi Tam, rồi múa rồng. Cùng lúc này, một bô lão đạo mạo bước ra nhập linh khí vua Lê Đại Hành giáng thế, cày những sá đất đầu tiên, đi sau là những cô thôn nữ gieo hạt giống lúa, đỗ, ngô, lạc xuống những rãnh cày, chính thức mở mang ra một mùa vụ mới.
Cũng tại buổi lễ, nhân dân và cán bộ huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng cho các các tập thể dẫn đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi đua trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời UBND tỉnh Hà Nam đã tặng Cờ thi đua cho 15 xã tiêu biểu xuất sắc, đạt chuẩn trong phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.
Theo ghi nhận, Lễ hội Tịch điền năm nay tổ chức khá quy mô và chuyên nghiệp. Đây là năm thứ 8 tỉnh Hà Nam khôi phục và duy trì lễ hội này.
Trải qua 1029 năm kể từ khi khai sáng, Lễ hội Tịch điền qua các triều đại như Lý, Trần, Nguyễn đều được tổ chức hàng năm một cách thành kính, trang trọng. Không chỉ có ý nghĩa khuyến khích sản xuất nông nghiệp, Lễ hội Tịch điền còn là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của đất nước, của vùng quê núi Đọi sông Châu nói riêng và của tỉnh Hà Nam nói chung./.