Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 18/10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; lãnh đạo Tòa án nhân dân TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 21/10 có ý nghĩa quan trọng. Kỳ họp diễn ra trong 27 ngày, xem xét thông qua 12 luật, 24 nghị quyết, trong đó có một nghị quyết liên quan đến TP Hà Nội và cho ý kiến về 9 luật khác. Qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP mong muốn nắm bắt được tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kiến nghị của các cơ quan TP để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp.
Tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019 và một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội.
Kết quả nổi bật trong 9 tháng qua là, kinh tế vĩ mô TP tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,01%); xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao (tăng 20,4%); thu ngân sách được bảo đảm (186.589 tỷ đồng, đạt 70,9% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018). Môi trường đầu tư kinh doanh TP tiếp tục được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63, hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ sớm 2 năm. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, đạt 6,23 tỷ USD, dẫn đầu cả nước....
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả nổi bật, tỷ lệ huyện, xã đạt chuản nông thôn mới tăng cao so với đầu nhiệm kỳ. An sinh xã hội được đảm bảo. TP đã phối hợp với Trung ương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn, trang trọng, lịch sự, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao…
Liên quan đến Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra ngày 2/10, Chính phủ đã họp và thông qua Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của TP Hà Nội”. Thời gian tới, TP tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua nghị quyết trên; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, hoàn thiện Dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội”.
Kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô
Đề cập đến việc tổng kết 3 năm lần 2 về thực hiện Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, sau 6 năm triển khai Luật Thủ đô, thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô, nhờ đó nhiều quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật vẫn chưa đảm bảo tính khả thi, khó triển khai vào thực tiễn, nhất là còn thiếu các cơ chế đảm bảo cho thành phố trong việc xây dựng chính quyền đô thị…Một số quy định của Luật như: mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành…còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi.
Luật Thủ đô đề ra nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện trong cùng một thời điểm, nên khó khăn khi tổ chức thi hành. Nhiều vấn đề lịch sử để lại như trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, nhà chung cư, biệt thự cũ… chưa đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm. Mặt khác, phần lớn cơ chế chính sách quy định trong các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của TP Hà Nội chưa thực sự tác động nhiều. Đặc biệt, Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh, cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng…
Vì thế, ngoài việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Luật Thủ đô, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP, UBND TP Hà Nội đã gửi kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; chủ trương phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội được phép quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng đó, Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm Đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị đối với các vấn đề lớn của Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ…
Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với dự án Cát Linh – Hà Đông
Thông tin với Đoàn đại biểu Quốc hội TP về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết: Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô, cử tri và nhân dân Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng thẩm tra, nhất các dự án luật; đẩy mạnh chất vấn và giám sát việc thực hiện sau chất vấn đối với các đồng chí lãnh đạo, ngành, chính phủ. Tiếp tục giám sát công tác giải ngân, nợ đọng thuế, giám sát đối với lĩnh vực xây dựng quy hoạch đô thị, dự án treo nhiều năm không thực hiện. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc điều chỉnh giá hỗ trợ, đền bù đất nông nghiệp cho phù hợp thị trường vì giá đền bù hiện nay quá thấp. Cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với dự án Cát Linh – Hà Đông; di dời cơ sở sản xuất, kho chứa hoá chất, các nhà máy ô nhiễm môi trường hiện đang nằm trong khu dân cư…
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cũng thông tin với Đoàn về kết quả của ngành và kiến nghị về việc rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, về tội phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố 6.774 vụ, Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố 9.972 bị can. Tòa án Nhân dân hai cấp TP đã thụ lý 31.083 vụ án, giải quyết 24.299 vụ, đạt tỷ lệ 78,17%. So với cùng kỳ 2018, số vụ thụ lý tăng 9,81%, số vụ giải quyết tăng 15,64%. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Toàn án nhân dân tối cao khi phân bổ biên chế cần tính toàn đến yếu tố đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đồng thời kiến nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sửa đổi một số quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn như: Quy định thay đổi thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án…
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu công tác giao cho các cơ quan tư pháp theo hướng phù hợp với chế độ đãi ngộ, phương tiện trang bị còn thấp. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội xem xét việc tinh giản biên chế cần có những giải pháp linh động với từng ngành, địa bàn…
Phản ánh chính xác, đa chiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin thêm về một số nội dung các đại biểu quan tâm liên quan đến xử lý các nhà máy gây ô nhiễm môi trường còn nằm trong khu dân cư; nước ô nhiễm nhưng vẫn cung cấp cho người dân; giảm ùn tắc giao thông; có giải pháp làm giảm bớt vấn đề gây bụi bẩn BM 2.5; xây dựng quá nhiều nhà cao tầng; các vấn đề về cấp đất dịch vụ, cấp sổ đỏ cho người dân…
Đề cập đến vấn đề nhà cao tầng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đang thực hiện đúng hoạch được Thủ tướng phê duyệt về vấn đề phát triển đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình xử lý chưa được đầy đủ theo kỳ vọng của người dân và quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin tại hội nghị.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, Hà Nội có hai nguồn ô nhiễm lớn nhất hiện nay là từ khói thải của xe ô tô quá hạn và từ việc phá dỡ các toà nhà. Để xử lý được triệt để vấn đề này cần có thời gian. TP thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong nhiều năm; cơ giới hoá việc quyét và hút rác cùng một lúc. Trong quá trình thực hiện, TP cần có sự vào cuộc của mọi người dân trong ý thức vứt, đổ rác thải. TP mong muốn sự cần sự vào cuộc của cả chính sách pháp luật một cách kịp thời, sát thực và hiệu quả. Đồng thời, cần có sự vào cuộc, điều hành của Chính phủ trong giải quyết vấn đề…
Về vấn đề nước sạch, cụ thể là liên quan đến vụ nước sạch sinh hoạt của Công ty nước sạch sông Đà có mùi lạ do dầu thải tràn vào, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng đều đang tích cực vào cuộc. Việc xét nghiệm nước sạch đang được triển khai với các thiết bị, máy móc hiện đại nhất của Bộ Y tế. Hiện, TP đang cố gắng khắc phục sự cố với tiến độ nhanh nhất. Dự kiến, nhanh nhất hết ngày 20/10, khi người dân xúc rửa xong thì các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra liên tục cho đến khi đảm bảo an toàn thì mới để người dân sử dụng lại...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá cao các cơ quan thành phố đã chuẩn bị nghiêm túc, báo cáo đầy đủ các nội dung phục vụ buổi làm việc; phản ánh chính xác, đa chiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nêu các kiến nghị xác đáng với Quốc hội, nhất là các kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung một số luật cụ thể... Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp thu đầy đủ để phản ánh với Quốc hội, đóng góp tích cực vào công tác lập pháp và thành công của kỳ họp thứ tám tới đây.
Đề cập một số vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, các cơ quan thành phố tiếp tục theo dõi, rà soát, nếu cần thiết, cung cấp thêm thông tin để các đại biểu Quốc hội TP nắm rõ, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp cùng thành phố giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; đồng thời có căn cứ đầy đủ để báo cáo, giải trình với Quốc hội. Cụ thể, liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, năm 2017, TP đã ban hành Đề án về ứng phó với các thảm hoạ, sự cố có thể xảy ra với TP. Đây là dịp để TP rà soát lại các phương án để củng cố, nâng cao chất lượng công tác quản lý. Đặc biệt, qua các sự việc xảy ra TP cần rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; xử lý thông tin, cung cấp thông tin cho người dân.
Về vấn đề chính quyền đô thị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ trao đổi, thảo luận và đưa nghị quyết về vấn đề này. Từ đó, Bí thư Thành uỷ đề nghị, đại biểu Quốc hội quan tâm, nghiên cứu, tham gia đóng góp và trình bày để các đoàn đại biểu Quốc hội khác hiểu về mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội muốn hướng tới là mô hình như thế nào, có ưu điểm và nhược điểm gì để từ đó có ý kiến tham gia hiệu quả…/.