Khắc phục tình trạng “quân xanh quân đỏ” trong đấu giá tài sản

Thứ ba, 03/10/2017 17:37
(ĐCSVN) – Sáng 3/10, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo pháp luật Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu Luật Đấu giá tài sản 2016 và việc triển khai Luật”.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp và ông Quản Văn Minh, Đấu giá viên, Chủ tịch Hội Đấu giá viên Thành phố Hà Nội cùng tham gia đối thoại trực tuyến với độc giả.

Ngày 17/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14. Có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 tới đây, Luật Đấu giá tài sản là một văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản, một lĩnh vực cũng còn khá mới mẻ ở nước ta. Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Hạn chế rất nhiều thành phần thông thầu, liên kết với nhau trong đấu giá tài sản

 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp 
giao lưu với độc giả. (Ảnh: PL).


Chia sẻ về những điểm nổi bật của Luật Đấu giá tài sản, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, lần đầu tiên pháp luật về đấu giá tài sản có quy định việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, hủy kết quả đấu giá thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật về tố tụng dân sự. “Với các quy định như vậy, hy vọng tình trạng kiện tụng kéo dài sẽ được giảm thiểu, quyền lợi của người trúng đấu giá sẽ được bảo vệ tốt hơn”, bà Mai nói.

Đề cập đến vai trò của Hội đấu giá tài sản trong việc hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, ông Quản Văn Minh cho hay: Thực tế, tình trạng quân xanh quân đỏ rất hạn chế, và xuất hiện ở một vài trường hợp tài sản có giá trị thấp. Còn về phía đơn vị tổ chức đấu chuyên nghiệp, có những giải pháp sau để hạn chế tình trạng này: Công khai minh bạch, niêm yết công khai việc bán tài sản, thể hiện tại Điều 35-37 Luật Đấu giá tài sản.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ quy chế đấu giá, phải thực hiện đầy đủ quy trình Luật Đấu giá đã quy định. Đặc biệt, chú ý vấn đề con người, xây dựng được đội ngũ đấu giá viên có tâm, có tầm, có đạo đức trong nghề.

Ông Quản Văn Minh nhấn mạnh, quy định của Luật đã hạn chế rất nhiều thành phần thông thầu, liên kết với nhau. Luật cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, như vấn đề niêm yết phải rõ ràng hơn, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Điều kiện tham gia đấu giá ngoài điều kiện theo luật này thì còn có các quy định về luật chuyên ngành. Ví dụ: bán đá quý phải có hồ sơ pháp lý của sản phẩm...

Đặc biệt, Luật quy định về tiền đặt trước, tùy theo từng phiên đấu giá, mà sẽ lựa chọn mức tiền đặt trước. Nếu có dấu hiệu thông thầu, sẽ nâng số tiền đặt trước…

“Tôi nghĩ cần xây dựng đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên uy tín của họ, xây dựng cơ chế tài chính hài hòa để đảm bảo quyền lợi cho đấu giá viên”, ông Minh nói.

Đang xây dựng Đề án về đấu giá biển số xe đẹp để trình Chính phủ   

Về hình thức đấu giá trực tuyến, bà Nguyễn Thị Mai cho biết: Đấu giá trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá được quy định tại Điều 40 của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, thay vì đấu giá bằng lời nói, bằng bỏ phiếu thì người tham gia đấu giá trả giá trên môi trường mạng thông qua trang đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.

Ưu điểm của hình thức này là có tính bảo mật, tính công khai minh bạch rất cao, giảm thiểu tình trạng thông đồng dìm giá và có thể cho phép nhiều người ở tất cả các địa phương, địa điểm tham gia đấu giá cùng lúc.

Tuy nhiên, khó khăn là đòi hỏi tổ chức đấu giá tài sản phải có một cơ sở vật chất tốt, đặc biệt là phần mềm đấu giá trực tuyến hiện đại và đội ngũ nhân viên kỹ thuật để vận hành phần mềm này.

Bà Mai cho biết, trong bối cảnh Việt Nam, ngoài những tỉnh, thành phố lớn thì còn những tỉnh vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện tham gia đấu giá trực tuyến trên internet còn khó khăn, chưa phổ biến cho nên, với những tỉnh này việc triển khai đấu giá trực tuyến chưa thực hiện được trong thời gian tới.

Hơn nữa, đấu giá trực tuyến còn quá mới mẻ ở Việt Nam nên cũng cần có thời gian để tổ chức, cá nhân, người có tài sản, người tham gia đấu giá tổ chức đấu giá tài sản nhận ra được tính ưu việt của hình thức này, để lựa chọn là hình thức đấu giá tài sản.

Trước băn khoăn của độc giả về việc biển số xe có phải là tài sản đấu giá không? bà Nguyễn Thị Mai cho hay: Vấn đề đấu giá biển số xe đẹp đã được đặt ra từ những năm 2010 khi xây dựng Nghị định 17/2010/NĐ - CP. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc biển số xe có phải là quyền tài sản hay không. Luật Quản lý tài sản công vừa được Quốc hội ban hành đã quy định các loại kho số cũng là tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về đấu giá biển số xe đẹp để trình Chính phủ.

“Nếu Đề án này được thông qua, thì biển số xe cũng sẽ được đưa ra đấu giá. Khi đó, ông, bà có thể tham gia đấu giá để lựa chọn biển số mà mình mong muốn”, bà Mai cho biết./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực