Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên

Thứ ba, 30/06/2020 14:35
(ĐCSVN) – Khả năng diễn ra cuộc gặp mới giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc bầu cử Mỹ 2020 là kịch bản khó trở thành sự thật.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn hy vọng về những tiến triển thực chất đạt được trong các cuộc đàm phán hạt nhân theo hướng mà đôi bên cùng mong muốn và sẽ tiếp tục để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên. Tình thế đòi hỏi Mỹ duy trì trạng thái “răn đe” và “sẵn sàng quân sự” để ứng phó với các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên, song cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên vẫn còn được để ngỏ.

  Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. (Ảnh: Yonhap)

Đây là những thông điệp do Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đưa ra trong diễn đàn trực tuyến do quỹ German Marshall Fund – một cơ quan cố vấn của Mỹ có trụ sở tại Washington tổ chức, ngày 29/6.

Trả lời câu hỏi về khả năng diễn ra cuộc “tái ngộ” giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, ông Biegun cho rằng, đây là điều khó trở thành sự thật trong thời điểm từ giờ cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

“Với khoảng thời gian còn lại và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bao trùm toàn bộ thế giới, thật khó để hình dung ra tình huống mà chúng ta có thể tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh quốc tế theo hình thức trực tiếp”- đại diện ngoại giao này cho biết.

Kể từ tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã 3 lần gặp gỡ, với hy vọng đạt được thỏa thuận về giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy những nhượng bộ từ phía Mỹ. Tuy nhiên, những bất đồng chưa thể thu hẹp đã khiến cho những tiến triển đạt được từ 2 năm về vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi các vòng đàm phán cấp sự vụ giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra sau đó lại không thể khiến lập trường của đôi bên xích lại gần nhau hơn. Hiện một những vấn đề gai góc nhất đã đẩy tiến trình đàm phán Mỹ-Triều vào bế tắc là mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các lệnh nới lỏng trừng phạt từ Mỹ.

Theo quan điểm của ông Biegun thì việc tiến tới một thỏa thuận là điều phụ thuộc vào cả phía Triều Tiên chứ không riêng Mỹ. “Chúng tôi đã vạch ra một kế hoạch khá chi tiết và mạnh mẽ để nhanh chóng đạt tiến triển nếu như Triều Tiên đồng ý tham gia đàm phán… Mỹ duy trì mục tiêu giải trừ hạt nhân cuối cùng và toàn bộ bán đảo Triều Tiên… Chúng tôi cũng thực sự tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn rất nhiều dành cho tất cả người dân sinh sống trên bán đảo Triều Tiên” – ông Biegun nói.

Trong thời gian gần đây, người đứng đầu Nhà Trắng không đưa ra nhiều phát ngôn về tình hình Triều Tiên do dồn lực đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 và chiến dịch tái tranh cử.

Tuần trước, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, vừa ra mắt cuốn hồi ký có tựa đề "The Room Where It Happened(Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra) với những tiết lộ gây chấn động. Theo cuốn sách, trước thềm diễn ra cuộc gặp lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu vực phi quân sự vào tháng 6/2019, ông D.Trump đã tiết lộ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc ông có thể sẽ đề xuất tiến hành Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ./.

Thu Lan (Theo Yonhap, tbs.seoul.kr)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực