Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Thứ tư, 23/10/2019 21:01
(ĐCSVN) – Sau 3 năm, “Dự án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số tại phía Bắc và miền Trung Việt Nam”, đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 6.000 học sinh, giáo viên, cán bộ và phụ huynh của 2 huyện Sìn Hồ và Kon Plông.
Quang cảnh Hội thảo.

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam cùng các đối tác tổ chức Hội thảo tổng kết dự án giáo dục do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ với tổng vốn đầu tư lên đến 1,7 tỉ đô la Mỹ. Hội thảo đã tổng kết những thành tựu và bài học kinh nghiệm rút ra sau 3 năm thực hiện dự án.

Dự án dự án giáo dục do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ có tên chính thức là “Dự án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số tại phía Bắc và miền Trung Việt Nam” được thực hiện tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và Kon Plông, tỉnh KonTum từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 10 năm 2019. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện môi trường học tập và khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi của trẻ em dân tộc thiểu số từ mầm non tới tiểu học, thông qua việc nâng cao năng lực của giáo viên mầm non, tiểu học và phụ huynh, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án được thực hiện bởi Plan International cùng các đối tác địa phương, được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc, ông Yuichiro Tabuchi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án đã giúp giải quyết những thách thức mà cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí “an ninh con người”, một trong những ưu tiên chính của các nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Nhật Bản. Tôi hy vọng những chia sẻ về thách thức cũng như kết quả thực hiện dự án trong hội thảo ngày hôm nay có thể giúp đóng góp vào sự phát triển xa hơn của ngành giáo dục tại Việt Nam.”

Huyện Sìn Hồ (Lai Châu) và huyện Kon Plông (Kon Tum) có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều thách thức. Một số điểm trường ở các bản làng xa xôi hẻo lánh không có hệ thống điện nước. Trẻ em gặp nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ khi đến lớp. Các em phải học tất cả các môn bằng tiếng Việt trong khi tiếng dân tộc lại là ngôn ngữ phổ biến các em thường dùng hàng ngày. Phần lớn giáo viên là người dân tộc Kinh, còn ít hoặc không có kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số nới các giáo viên giảng dạy. Do đó, các giáo viên giảng dạy tại những nơi này gặp ít nhiều vấn đề khi dạy học sinh.

Đại biểu tham gia thực hiện dự án chia sẻ kinh nghiệm.

Trước những vấn đề này, dự án được xây dựng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi từ mầm non sang tiểu học, xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện với trẻ em. Cụ thể, hơn 400 giáo viên mầm non và tiểu học được tham gia tập huấn và nâng cao năng lực; 5.500 học sinh mầm non và tiểu học có cơ hội tiếp cận tới nguồn sách truyện của dự án; 9 trường học đã được nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng lớp học với hệ thống vệ sinh nước sạch.

Là đại diện của một trong những cơ quan đối tác chính, ông Ngô Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, phụ trách mảng giáo dục tiểu học chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất với dự án là mô hình Sinh hoạt chuyên môn. Đó là nơi giáo viên có cơ hội tham dự một tiết học mở (tiết học minh họa) và sau đó chia sẻ lại những vấn đề gặp phải cũng như giải pháp. Cùng với phương pháp dạy và học chủ động, đây sẽ là 2 mô hình chúng tôi cam kết nhân rộng tới các huyện khác trong tỉnh.” Trong khi đó, ông Lò Văn Hòa, một trong những giáo viên nòng cốt của trường tiểu học Măng Bút 1 tự hào chia sẻ: “Giờ tôi đã biết cách dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ em nơi đây. Những em ngày trước từng xao nhãng trong lớp giờ đã tập trung, hứng thú và cảm thấy tự tin hơn nhiều.”

Tại Hội thảo, bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của Plan International Việt Nam nhấn mạnh: Dự án kết thúc không đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của dự án cũng kết thúc. Sự cam kết từ các bên liên quan là rất cần thiết. “Mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng những người thực hiện dự án đều hài lòng trước kết quả nhận được khi thấy rõ nét những thay đổi tích cực dần xuất hiện trong suy nghĩ và hành động của cả giáo viên cũng như các cán bộ giáo dục trong dự án. Hiện tại Plan Internation Việt Nam đang ưu tiên thực hiện việc chuyển giao mô hình tới các đối tác để có thể nhân rộng trên phạm vi lớn hơn.”

Sau 3 năm, dự án đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 6.000 học sinh, giáo viên, cán bộ và phụ huynh của 2 huyện Sìn Hồ và Kon Plông. Dự án cũng giúp giáo viên và cán bộ tham gia trong ngành giáo dục thấy được rằng trẻ em dân tộc thiểu số có thể học tốt hơn nếu người lớn xung quanh không từ bỏ niềm tin vào khả năng của các em, đồng thời xây dựng môi trường học tập chất lượng tập trung vào chính các em./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực