Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin

Thứ sáu, 27/11/2015 16:33

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin...

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đồng thời cho rằng, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), đây là đạo luật quan trọng nằm trong nhóm luật bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, vì vậy, muốn minh bạch phải công khai thông tin.

Trên cơ sở đó, đề nghị cần bổ sung các cơ quan nhà nước gồm: các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặt khác, ĐB Thanh Phương cho rằng, về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác thì việc quy định như trong dự thảo là chờ đến khi gây hậu quả, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì mới cung cấp thông tin là quá chậm. “Khi phát hiện thông tin sai lệch, cần chủ động cung cấp thông tin ngay để ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng”, ĐB Phương nói.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)


Chỉ ra dự thảo quy định cung cấp thông tin theo yêu cầu  vẫn theo lối tư duy cũ theo cơ chế “xin-cho”, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị, cần quy định cách thức, hình thức của việc công khai, minh bạch mọi thông tin, hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cách thức, quyền, trách nhiệm của chủ thể trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin. Bởi theo ông Quyền, việc cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đặt ra trong những khi cần là rất hãn hữu.

Đồng quan điểm, theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), công dân có quyền tiếp cận thông tin không bị cấm. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa xác định đầy đủ các cơ quan có liên quan và trách nhiệm của các cơ quan này. Từ phân tích trên, ĐB Thành cho rằng, Luật cần nêu rõ nội dung thông tin nào người dân cần được tiếp cận? Thông tin nào không được cung cấp do liên quan đến bí mật nhà nước hay bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Nhấn mạnh quyền tiếp cận thông tin là quyền quan trọng của con người, đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị, cần thông tin cho người dân biết những vấn đền liên quan đến quy hoạch đô thị; quy hoạch đất đai; đấu thầu; mua sắm. Bởi theo ĐB Hạnh, khiếu kiện thường tập trung những thông tin dạng này.

Để Luật Tiếp cận thông tin có tính khả thi, một số ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu, rà soát để luật hóa một số quy định về tiếp cận thông tin hiện đang được quy định trong các văn bản dưới luật; chú ý các nội dung liên quan đến tiếp cận thông tin đã được quy định trong các luật khác, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Thư viện, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực