Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51)
Sáng 2/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Expo-Singapore, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 10 nước thành viên.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của 10 nước ASEAN và các nước khách mời tại hội nghị hôm 2/8.
Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, khó đoán định như gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình bán đảo Triều Tiên, Biển Đông... hay các khó khăn đến từ kinh tế như xu hướng bảo hộ trên toàn cầu, thương mại giảm sút.
Trên cơ sở nhận diện các khó khăn và thách thức, tại hội nghị AMM 51 lần này, các Bộ trưởng tập trung thảo luận về các định hướng, giải pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo Tầm nhìn ASEAN 2025; nâng cao khả năng tự cường của ASEAN để ứng phó với các thách thức nổi lên. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng cũng được đề cập tại hội nghị lần này là tăng cường đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trong quan hệ với các đối tác; thúc đẩy xây dựng và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trong đó có tiến trình soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác, ứng xử trước các đề xuất mới về cấu trúc khu vực, cải tiến và nâng cao hiệu quả các diễn đàn do ASEAN chủ trì, trong đó có hợp tác Đông Á. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng dành thời gian cùng nhau trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 51 và các hội nghị liên quan.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vị ám sát hụt
Chiều ngày 4/8 giờ địa phương (rạng sáng 5/8 giờ Việt Nam) trong khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang phát biểu tại lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập lực lượng Phòng vệ quốc gia Venezuela thì bất ngờ hai thiết bị bay không người lái có gắn chất nổ được kích hoạt và nổ tung khiến ít nhất 7 binh sĩ bị thương. Tổng thống Maduro và ban lãnh đạo Venezuela có mặt tại sự kiện đã ngay lập tức được sơ tán đến nơi an toàn.
Xuất hiện trên sóng truyền hình ít giờ sau khi được sơ tán khỏi nơi xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Maduro đã cáo buộc âm mưu ám sát này do các tổ chức cánh hữu trong nước thực hiện và đứng đằng sau là nhóm cực hữu Colombia nhằm gây bất ổn tình hình tại Venezuela. Tổng thống Maduro cho rằng các thế lực ở Mỹ và Colombia đang tìm cách gây ra bạo lực Venezuela. Nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh các thế lực đối lập luôn tìm cách hãm hại ông và cuộc cách mạng Bolivar, song sẽ không bao giờ có thể khuất phục được ý chí của nhân dân Venezuela. Ông Maduro khẳng định sẽ tiếp tục con đường của một quốc gia mong muốn hòa bình, phát triển, thịnh vượng, hạnh phúc và bình yên. Ông cũng tuyên bố rằng những kẻ thực hiện vụ mưu sát ông sẽ phải chịu hình phạt cao nhất.
Phản ứng trước vụ việc trên, các nước trong khu vực như Cuba, Nicaragua, Bolivia đã lên án hành động tội ác này.
Ông Emmerson Mnangagwa tái đắc cử Tổng thống Zimbabwe
Rạng sáng 3/8, Ủy ban bầu cử Zimbabwe (ZEC) công bố kết quả của cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống hôm 30/7, theo đó Tổng thống đương nhiệm Emmerson Mnangagwa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại quốc gia châu Phi này. Đây cũng là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên tại Zimbabwe kể từ sau khi Tổng thống Robert Mugabe bị bãi nhiệm sau 30 năm cầm quyền (1987-2017).
Theo kết quả kiểm phiếu, ông Mnangagwa thuộc đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền nhận được 2.460.463 phiếu bầu, tương đương 50,8% tổng số phiếu bầu. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của ông là ứng cử viên Nelson Chamisa thuộc Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập nhận được 2.147.436 phiếu bầu, tương đương 44,3% tổng số phiếu bầu.
Ngay sau khi có kết quả của cuộc bầu cử, Tổng thống Mnangagwa tuyên bố, thắng lợi của ông đã đánh dấu một sự khởi đầu mới cho quốc gia châu Phi này. Tuy nhiên, Chủ tịch MDC Morgan Komichi tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử trên. Trong những ngày qua, những người biểu tình ủng hộ đảng Phong trào Vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập đã tràn ra đường phố của thủ đô Harare để phản đối kết quả bầu cử. Bạo lực và đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát đã phát sinh ngay sau đó.
Những diễn biến này đặt tổng thống Mnangagwa trước những thách thức lớn trong nỗ lực ổn định tình hình chính trị tại đất nước Zimbabwe sau bầu cử. Bên cạnh đó còn là những thách thức kinh tế như đồng tiền mất giá, đất nước kiệt quệ, nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp ước tính 90%.
Tháp Eiffel đóng cửa do đình công
Tháp Eiffel, biểu tượng của thủ đô Paris (Pháp), vừa tạm đóng cửa do nhân viên đình công nhằm phản đối chính sách vào cửa tham quan mới gây phiền toái cho du khách.
Các nhân viên bất bình với quyết định kể từ tháng 7/2018 bắt đầu dành 50% số vé vào cửa hàng ngày cho khách đặt vé trực tuyến trước và lựa chọn thời điểm tham quan của họ. Trước khi có quyết định trên, tỷ lệ ưu tiên đặt trước vé tham quan tòa tháp cao 324m này chỉ khoảng 20%.
Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) cho biết, ban quản lý tháp Eiffel dành riêng nhiều thang máy cho nhóm du khách đặt trước vé. CGT cho rằng việc này tạo ra sự bất công đối với khách tham quan. Trên thực tế, ngoài khung giờ cao điểm tham quan của khách đặt vé trước, như đầu giờ chiều, thang máy dành riêng cho nhóm du khách này thường trống tới một nửa, trong khi những du khách khác phải xếp hàng dài chờ đợi tới 3 giờ ở khu vực thang máy để vào tham quan tòa tháp.
Các nhân viên yêu cầu ban quản lý tháp thực hiện chính sách phù hợp. Theo đó, dành tất cả các thang máy cho tất cả du khách mà không có ngoại lệ với bất kỳ loại vé nào.
Trong khi đó, SETE, công ty điều hành tháp Eiffel cho biết mỗi ngày công ty bán trực tuyến 10.000 vé vào cửa và "thời gian chờ đợi rất ngắn". Đối với những du khách chưa đặt vé trước, thời gian họ chờ đợi mua vé trực tiếp tại quầy ở chân tháp cũng chỉ tương đương như năm ngoái, trong khi số lượng du khách tới tham quan tháp Eiffel đã tăng.
Ngày 3/8, Tháp Eiffel của Pháp đã mở cửa trở lại sau khi các nhà quản lý đạt được thỏa thuận với các nhân viên nhằm chấm dứt cuộc đình công phản đối chính sách vào cửa gây phiền toái cho du khách tham quan biểu tượng nổi tiếng ở "kinh đô ánh sáng" Paris.
SETE - công ty điều hành Tháp Eiffel, thông báo bắt đầu từ tuần tới sẽ thử nghiệm quy định mới, cho phép tất cả các du khách được xếp hàng để chờ lên một trong hai thang máy tại lối vào tháp, mà không có sự phân biệt giữa du khách mua vé trực tuyến hay du khách mua vé tại quầy.
Quân đội Mỹ xúc tiến kế hoạch thành lập Lực lượng vũ trụ
Ngày 2/8, truyền thông Mỹ đưa tin, trong một báo cáo công bố hôm 31/7, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm góc có kế hoạch xây dựng các bộ phận của Lực lượng Vũ trụ Mỹ trước khi Quốc hội Mỹ thông qua việc thành lập lực lượng này theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.
Báo cáo nêu rõ, trong những tháng tới, Bộ Quốc phòng có kế hoạch xây dựng 3 trong tổng số 4 bộ phận của Lực lượng Vũ trụ, gồm một chỉ huy chiến đấu trong vũ trụ, một cơ quan mới để mua vệ tinh cho quân đội và một lực lượng chiến đấu mới, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu vũ trụ từ tất cả các lực lượng dịch vụ. Kế hoạch này do Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đề xuất và được trình bày trong một bản báo cáo dài 14 trang, đã được gửi tới Quốc hội để xem xét trong ngày 1/8. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lực lượng thứ 6 của quân đội Mỹ.
Trước đó gần 2 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nước này thành lập một "lực lượng vũ trụ" nhằm đảm bảo việc giữ vững thế tiên phong trong lĩnh vực khám phá không gian mà Mỹ đang nắm giữ.
Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc Dana White, ủy ban chính sách của cơ quan này sẽ bắt đầu làm việc để thực hiện chỉ đạo của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, để thành lập được lực lượng vũ trụ sẽ mất khá nhiều thời gian. Bộ Quốc phòng sẽ phải tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng phương án cụ thể và chuẩn bị rất nhiều thông tin liên quan trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Động đất ở Lombok (Indonesia)
Vào hồi 18 giờ 46 phút ngày 5/8 (theo giờ Hà Nội), một trận động đất mạnh 7 độ richter đã làm rung chuyển khu vực ngoài khơi ở phía Bắc đảo Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara của Indonesia. Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, tâm chấn của trận động đất xảy ra ở độ sâu 15 km, buộc nước này phải phát đi cảnh báo sóng thần, song đã được dỡ bỏ sau đó. Sau trận động đất này đã xảy ra hàng loạt cơn dư chấn khá mạnh, lên tới 5,6 độ Richter.
Cùng ngày, giới chức Indonesia cho biết, đã có ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và nhiều nhà cửa bị hư hại trong trận động đất này
Ngoài ra, rung chấn của trận động đất đã gây thiệt hại cho phần trần sân bay Ngurah Rai của Bali, đảo du lịch nổi tiếng lân cận Lombok. Quan chức phụ trách quan hệ công chúng của sân bay cho biết, những hư hại này không nghiêm trọng và sẽ được sửa chữa trong 24 giờ để đảm bảo hoạt động bình thường của sân bay. Mặc dù không làm hỏng cấu trúc tòa nhà, nhưng ảnh hưởng của trận động đất đã khiến nhiều hành khách tại sân bay lo sợ và mong muốn rời Bali nhanh nhất có thể.
Indonesia là quốc gia nằm ở "Vành đai lửa Thái Bình dương", nơi tiếp giáp các mảng kiến tạo địa chất. Do vậy, nước này thường xuyên xảy ra động đất và các hoạt động của núi lửa./.