Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Séc Lu-kát Cau-xờ-ki
Ngày 14/3/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị với Thứ trưởng Ngoại giao Séc Lu-kát Cau-xờ-ki (Lukas Kaucky) về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Séc thời gian qua. Theo đó, trao đổi đoàn các cấp diễn ra thường xuyên, Ủy ban Liên Chính phủ và các cơ chế hợp tác giữa các Bộ ngành hoạt động hiệu quả, hai bên phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM). Hai bên thống nhất cùng phối hợp để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020).
Tham vấn chính trị Việt Nam - Séc
Hai bên đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch... có nhiều tiến triển, song vẫn còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội có thể khai thác. Để góp phần đưa quan hệ kinh tế phát triển hơn nữa, Việt Nam đề nghị Séc hỗ trợ thúc đẩy để Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) sớm được ký kết và phê chuẩn. Hai bên thống nhất cần có các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, công nghiệp quốc phòng, quảng bá du lịch….
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Séc sinh sống ổn định, phát huy vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Thứ trưởng Ngoại giao Séc đánh giá cao đóng góp của cộng đồng và lưu học sinh Việt Nam tại Séc, cho biết phía Séc đang xem xét tạo thuận lợi về thị thực cho công dân Việt Nam vào Séc với mục đích lao động và kinh doanh.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, nhấn mạnh cam kết ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực./.