Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/12. Ảnh: Thanh Huyền
Tuyệt đối không để nhân dân bị đói, không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, ngày 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, tập trung thảo luận về ba nhóm vấn đề lớn: Một là tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng; hai là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018; và ba là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 cùng một số nội dung hoàn thiện, xây dựng thể chế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực hơn, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới, như lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới đều tiếp tục tăng mạnh.
Cũng trong tháng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, các bộ ngành, địa phương, người dân đã vào cuộc, chủ động ứng phó trước các cơn bão mạnh (số 12, 14) với phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ mạnh. Qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thiệt hại do thiên tai, nhất là do bão số 12, số 14 tuy đã được hạn chế nhưng vẫn rất lớn. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt như vừa qua chúng ta đều biết đã xảy ra nhiều vụ bạo lực với trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo, gây bức xúc rất lớn, đây là điều không thể chấp nhận được.
Về nhiệm vụ thời gian tới, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh, Chính phủ yêu cầu cần tận dụng cơ hội này cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tinh thần là không được chủ quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quản tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đặc biệt, cần hết sức lưu ý giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Không để xảy ra nạn bạo hành trẻ em, đề nghị phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đồng thời cả xã hội phải vào cuộc, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, gia đình, báo chí cùng kiểm tra, giám sát, thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, tuyệt đối không để nhân dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm có báo cáo tổng thể về các trạm BOT, đặc biệt là trạm BOT Cai Lậy, vấn đề rất nóng trên báo chí hiện nay và rất được người dân quan tâm.
Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: (1) Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. (2) Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. (3) Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...
"Dự án BOT Cai Lậy không sai pháp luật"
Trước băn khoăn cuả báo chí về thiệt hại do xả trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Cho đến nay Bộ đã tiếp 107 đoàn kể cả Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành chưa kể đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới lĩnh vực BOT.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổng hợp lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan về mặt được và chưa được của các dự án BOT để khắc phục trong thời gian tới.
Về việc kéo dài tình trạng tại BOT Cai Lậy có ảnh hưởng thế nào tới kinh tế, theo Thông tư của Bộ GTVT, nếu có tình trạng ách tắc dài quá 500 m thì phải xả trạm, không để kéo dài thời gian.
“Tất nhiên ở trạm BOT Cai Lậy có một số tài xế quá khích, không ủng hộ thu phí. Chúng ta không nên ủng hộ những trường hợp như thế”, Thứ trưởng nói.
Còn việc không để tình trạng kéo dài, Thứ trưởng cho biết, từ ngày 1/8/2017 khi trạm thu phí dừng, Bộ GTVT đã rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng BOT Cai Lậy, đặc biệt là dựa vào thanh tra của Bộ Xây dựng và kết luận 475 ngày 29/9 của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra của Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đánh giá dự án này về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật. Về mặt thủ tục, vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy là nằm trong dự án chứ không nằm ngoài.
“Trả lời về việc tăng giá điện 6,08% từ ngày 1-12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải của cho biết giá điện hay bất kỳ giá của các mặt hàng thiết yếu nào đều được Chính phủ hết sức quan tâm.
"Như việc tăng giá điện lần này, yếu tố xem xét là liệu có ảnh hưởng đến GDP, CPI, hay ảnh hưởng như thế nào đến giá cả các mặt hàng ximăng, sắt thép...”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Hải thông tin thêm: Trong vòng 2 năm 9 tháng gần đây giá điện không tăng trong khi giá đầu vào của sản xuất ngành điện tăng mạnh. Điểm nữa đánh giá là tính công khai, minh bạch khi chúng ta điều chỉnh giá điện hay là sản xuất kinh doanh của ngành điện. Để đánh giá được tại sao tăng và tăng như thế nào về giá điện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguyên tắc kiểm tra là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.
Trong quá trình đánh giá, đã thực hiện nhiều nguyên tắc như: Nguyên tắc thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.
“Đây không chỉ là đánh giá của tổ kiểm tra mà còn có sự giám sát của Công ty kiểm toán uy tín quốc tế Deloitte. Đối với biến động của việc tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN”, Thứ trưởng cho hay./.