Tìm giải pháp giảm ngập nước và phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ tư, 22/11/2017 10:51
(ĐCSVN) – Ngày 21/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh”. PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: Lâm Quân)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về hai nội dung chính, đó là giảm ngập nước và phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh. 

Theo PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh từng bước thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển những ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế.

Chất lượng tăng trưởng của Thành phố ngày càng được nâng cao, huy động được mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,6%/năm, chiếm tỷ trọng 21% GDP của quốc gia, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.500USD/năm, gấp 2,5 lần so với mức bình quân của cả nước và đóng góp 30% vào ngân sách cả nước. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của Thành phố ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư ngày một cải thiện, tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hóa, giáo dục...

Tuy nhiên đi kèm với đó, TP.Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng ngập úng do biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; nhu cầu về nhà ở của người dân Thành phố, nhất là tốc độ dân nhập cư ngày càng tăng cao, khiến cho lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ngập ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài nguyên nhân do lũ và triều cường, mưa lớn, lún nền còn do những sai sót, yếu kém trong quá trình quản lý của con người, bắt đầu từ  khâu quy hoạch, sau đó là các hoạt động thực hiện dự án đầu tư xây dựng cho đến việc quản lý vận hành các công trình thuộc hệ thống thoát nước. Chính vì vậy, muốn giảm ngập nước thì phải giải quyết được các nguyên nhân gây ngập. Về kỹ thuật, giải quyết các nguyên nhân khách quan nói chung là không khó. Cái khó là khắc phục yếu kém trong quản lý (kể cả trong sử dụng các giải pháp kỹ thuật), vì nó động đến con người, bộ máy.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn đã đưa ra những giải pháp kỹ thuật về thoát nước, chống ngập, đó là các đô thị và khu dân cư tập trung có hệ thống thoát nước để thu gom, xử lý nước thải, chuyển tải nước mưa, nước thải ra các cửa tiêu thoát nước ra sông, kênh, rạch, hồ điều tiết (nói chung là ra nguồn tiếp nhận). Đối với các vùng đất cao không bị ảnh hưởng lũ và triều có thể tiêu úng tự chảy thì chỉ cần xây dựng hệ thống thoát nước là đủ, ở vùng này mà bị ngập thì dứt khoát nguyên nhân là do chưa có hệ thống thoát nước hoặc đã có hệ thống thoát nước nhưng chưa đủ. Không nên tôn cao nền để chống ngập ở vùng đất này vì làm vậy là rất lãng phí. 

Đối với vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của triều cường hoặc vùng cao chịu ảnh hưởng lũ của sông, chỉ áp dụng giải pháp thoát nước thì không đủ vì lũ hoặc triều cường xâm nhập sẽ vô hiệu hóa hệ thống thoát nước, gây ngập. Do vậy, giải pháp bổ sung là xây dựng đê bao/bờ bao dọc bờ sông, kênh, rạch và xây dựng cống có cửa dưới đê để ngăn lũ/triều cường và bơm tiêu hỗ trợ, do trong thời đoạn đóng cửa để ngăn không cho lũ/triều cường xâm nhập vào phía trong thì đồng thời cũng làm cho nước ở trong không thoát ra ngoài được nên bắt buộc phải có bơm.

Nhiều phương án giảm ngập cho TP.Hồ Chí Minh cũng đã được đưa ra. Có phương án nêu cần phải ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống bảo vệ cho vùng lõi trung tâm, theo đó xây dựng các cống Vàm Thuật và Nước Lên nằm trong dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, các cống dọc kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, nâng cấp hệ thống đê Nam Rạch Tra, nâng cấp hệ thống Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, hệ thống đê ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Bến Nghé; xây dựng hệ thống cống và đê vùng nằm giữa kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và kênh Đôi - Tẻ và xây dựng các ô bao vùng phía Nam TP.Hồ Chí Minh theo mức độ phát triển đô thị của từng ô.

Về lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, đại diện Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho biết, do Thành phố là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, với dân số hiện nay hơn 8 triệu người và tốc độ gia tăng dân số luôn ở mức cao dẫn đến nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn. Với sự phát triển năng động về kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của thành phố ngày càng tăng và được cải thiện đáng kể, tuy nhiên mức thu nhập và khả năng tài chính của không ít các hộ gia đình không đủ để mua nhà ở thương mại nên cần có các chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Đảng bộ và chính quyền thành phố qua các thời kỳ đều quan tâm chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình phát triên kinh tế - xã hội thành phố, góp phần giải quyết an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Thành phố đã đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại báo cáo số 123/BC-UBND ngày 4/10/2010, với chỉ tiêu phát triển thêm 39 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, phấn đấu nâng diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 17 triệu m2/người. Căn cứ Luật nhà ở 2005, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 với Bộ Xây dựng tại văn bản số 03/CTrT/BXD-UBNDTPHCM ngày 22/10/2012.

Hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Theo quy định của Luật nhà ở 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được đưa chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào cơ cấu giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên hiện nay, việc thẩm định, xác định chi phí này là rất khó khăn do một số chủ đầu tư tự thương lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, không lập phương án bồi thường nên không có cơ sở để thẩm định. Ngoài ra, một số chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng rất lâu, thậm chí từ 5 - 10 năm với đơn giá bồi thường rất thấp so với hiện nay, nếu lấy chi phí bồi thường theo giá thực tế đã bồi thường thì các nhà đầu tư không tham gia.

Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ quy định cho phép chủ đầu tư được đưa chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo một trong hai phương thức, cụ thể là theo chi phí thực tế mà chủ đầu tư đã tự thương lượng bồi thường hoặc chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được tính bằng 50% giá trị quyền sử dụng đất được tính theo chi phí tiền sử dụng hiện tại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, hiện việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang gặp trở ngại do chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Do vậy, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội bổ sung “Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng của ngân sách, trước hết là năm 2018, để Chính phủ có căn cứ thực hiện. Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỉ đồng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối thượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội…

Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, đánh giá và nhận định đối với những hạn chế vướng mắc, đồng thời đưa ra các giải pháp trong việc chống ngập lụt và phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh,… Những kết quả thu được tại buổi Tọa đàm, Tạp chí Cộng sản sẽ tổng hợp để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và tham vấn cho TP. Hồ Chí Minh./.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực