Tọa đàm với bạn bè quốc tế nhân kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước

Thứ tư, 28/04/2010 21:56

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010), ngày 28/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "35 năm sau chiến tranh: Việt Nam đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội".

Khách mời tham dự gồm những bạn bè quốc tế đến từ: Anh, Ai Cập, Ấn Độ, Braxin, Ba Lan, Đức, Hung-ga-ri, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nhật Bản, Srilanca, Trung Quốc, Vênêzuêla, Nga, Ucraina...

Chủ trì buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Trần Đắc Lợi; Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Phạm Văn Chương.

Tại buổi tọa đàm, bày tỏ vui mừng, ấn tượng sâu sắc về sự phát triển kinh tế-xã hội, về quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam hiện nay, các đại biểu đến từ Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ... mong muốn được nghe về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc áp dụng chính sách để đạt được bước chuyển từ nước phải nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới; về phát triển nền nông nghiệp sinh học, giải quyết vấn đề rác thải thành phố trong quá trình đô thị hóa; về những ảnh hưởng đối với nông dân cũng như sản phẩm nông nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi đã giới thiệu khái quát về tình hình Việt Nam trong 35 năm qua, trong đó phải kể đến những nỗ lực giải quyết những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại như bom mìn ẩn giấu dưới lòng đất, nạn nhân chất độc da cam/dioxin...

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; về những thành công trong thực hiện chính sách "Đổi mới" bắt đầu từ năm 1986 đến nay, Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Phạm Văn Chương đã trả lời những câu hỏi, giải đáp những câu hỏi của các bạn bè quốc tế.

Lý giải cho những thành công trong thực hiện công cuộc đổi mới, các diễn giả nhận định: việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Việt Nam đã thực sự đem lại những thay đổi tích cực cho đất nước trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Cụ thể, GDP bình quân đầu người tăng từ 120 USD năm 1986 lên 1.027 USD năm 2008. Như vậy, theo tiêu chí của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển từ năm 2008.

Chính sách đổi mới trong lĩnh vực phát triển xã hội đã lấy con người là trung tâm của sự phát triển, coi phát triển văn hóa là nền tảng, phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học kỹ thuật là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển nguồn nhân lực... Do đó, từ năm 1991 đến 2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đưa ra cho năm 2015 là giảm số người nghèo xuống còn một nửa. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2000, chuẩn bị hoàn tất phổ cập giáo dục trung học. Số sinh viên đại học, cao đẳng tăng lên nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi trong năm 1990 lên 72,8 tuổi trong năm 2008....Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,498 năm 1991 đến 0,688 năm 2000 và 0,733 năm 2007.

Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi khẳng định, với những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam trong gần 25 năm qua, nhân dân Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sức mạnh của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi bày tỏ cảm ơn tới bạn bè quốc tế đã giúp đỡ, động viên, khích lệ Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, giải quyết hậu quả chiến tranh để lại, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi khẳng định, con đường độc lập dân tộc và CNXH là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì, nỗ lực liên tục, không mệt mỏi của nhiều thế hệ. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố và phát huy các nhân tố tích cực... để phục vụ tốt hơn cho lợi ích của nhân dân và xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Hậu quả chiến tranh vẫn còn hết sức nặng nề. Số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh theo tính toán của các nhà khoa học, với tốc độ rà phá trong những năm qua thì phải mất 300 năm nữa Việt Nam mới làm sạch được số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đặc biệt, hàng triệu người tàn tật, bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc đa cam/dioxin là nỗi đau lớn nhất do chiến tranh để lại. Và sau 35 năm từ khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn hơn 300.000 người Việt Nam mất tích trên chính quê hương mình...

Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi bày tỏ mong muốn, trong quá trình này, Việt Nam một lần nữa rất cần đến sự đoàn kết, ủng hộ và hợp tác, giúp đỡ của các bạn bè trên thế giới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực