TP Hồ Chí Minh tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng

Thứ ba, 30/07/2019 17:59
(ĐCSVN) – Trước tình trạng xây dựng sai phép, trái phép tồn tại nhiều năm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để làm tốt công tác quản lý xây dựng trên địa bàn, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách, không vi phạm pháp luật; cấp ủy phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sáng 30/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành và UBND 24 quận, huyện.

Công tác quản lý của chính quyền có nơi còn chưa nghiêm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, trật tự xây dựng là vấn đề đang nhức nhối được nhân dân và dư luận rất quan tâm. Nếu giải quyết tốt việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, không chỉ góp phần để Thành phố phát triển tốt hơn, đẹp hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn theo đúng quy hoạch phát triển của Thành phố mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.

Báo cáo của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Lê Trần Kiên cho biết, trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 có 89% giấy phép xây dựng (112.720 giấy phép xây dựng) được cấp là nhà ở riêng lẻ trên tổng số giấy phép xây dựng được cấp trên địa bàn Thành phố. Về tình hình xử lý vi phạm cũng trong khoảng thời gian trên là 6.825 công trình.

Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp, các đại biểu cho rằng, quy định của pháp luật trên thực tế gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế; việc chấp hành quy định pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn chưa tốt. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu về nhà ở của người dân lớn, đặc biệt là cho người có thu nhập thấp, do đó dễ dẫn đến việc phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp. Cùng với đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do công tác quản lý của chính quyền có nơi còn chưa nghiêm, còn những thiếu sót, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép. Đặc biệt, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Cần xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, UBND huyện Hóc Môn xác định việc xử lý, cưỡng chế công trình không phép phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe đối với các trường hợp khác. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các UBND xã - thị trấn, trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc khắc phục thì chính quyền xây luôn các hạng mục theo phần giấy phép xây dựng và buộc chủ đầu tư phải thanh toán phần chi phí xây dựng này.

Nhiều đại biểu kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn đề xuất không cấp phép kinh doanh tại các công trình vi phạm xây dựng.

Từ thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy đề xuất cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho rằng, cần công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch; cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện phát hiện vi phạm ngay từ đầu, phát huy vai trò giám sát của đảng viên, đoàn viên, hội viên...; nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức; đổi mới phương pháp làm việc; chủ động có kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm và đột xuất; có biện pháp xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu đủ điều kiện.

Cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại các con số vi phạm về xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua cũng như lấy dẫn chứng một số vi phạm khi xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy thẳng thắn cho rằng: “những việc này không phải chúng ta không biết mà do chúng ta có làm đúng, làm hết trách nhiệm hay không thôi” và “việc này trầm trọng nhưng chúng ta có thể khắc phục được nếu chúng ta thực sự đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc”.

Phân tích vì sao tình trạng xây dựng sai phép, trái phép tồn tại nhiều năm nay, đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng, việc tồn tại đó đang làm lợi cho một số đối tượng chủ thể nên khi có lợi rồi thì họ muốn duy trì (sai phạm–PV). “Do vậy chúng ta phải làm thế nào để người vi phạm pháp luật phải bị bất lợi chứ không phải có lợi, còn vi phạm pháp luật mà có lợi thì vẫn còn tồn tại cái này”, Bí thư nhấn mạnh. Việc Thành phố đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn cũng là vì người dân để người dân có nhà ở hợp pháp tốt hơn. “Chúng ta khẳng định làm là để lo cho người dân, nếu dân mua nhà không giấy tờ sau này rất thiệt hại, chuyển nhượng cũng khó, điện nước cũng khó khăn, hộ khẩu cũng khó khăn. Làm để nhà ở có hợp pháp là để cho người dân đỡ phải tổn hại nữa”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, nếu người dân có nhu cầu nhà ở, Thành phố phải rà soát lại quy hoạch đất, rà soát lại vấn đề chia, tách đất hộ dân, rà soát quy hoạch đất ở. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh đối với những người có trách nhiệm, những cán bộ công chức không làm tốt nhiệm vụ, những người xây dựng, đầu nậu, mua bán trái phép không tuân thủ quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu, đối với những công trình đã xây trái phép, không phép rồi mà đang tồn tại phải có hướng xử lý, giải pháp rõ ràng. Tồn tại bao lâu? tồn tại thế nào? phải có quy định pháp luật rõ ràng về sự tồn tại đó là có thời hạn hay không?

Đặc biệt, từ nay trở đi, xây trái phép, không phép (phát sinh mới) cần xử lý ngay, không để kéo dài. Hiện nay, cả Thành phố có 1.200 thanh tra ngành xây dựng nhưng làm sao có mặt 24/24 để phát hiện vi phạm? Do đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ, sự đồng thuận của người dân, có cơ chế phối hợp với lực lượng chuyên trách.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân đang ngày càng gia tăng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước mắt, cần rà soát lại, nâng cấp, chuẩn hóa các khu nhà trọ, thậm chí có thể cho phép xây dựng có thời hạn.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, để làm tốt công tác quản lý xây dựng trên địa bàn, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách, không vi phạm pháp luật. Sau hội nghị, các quận, huyện cần tổ chức hội nghị chuyên đề. Cấp ủy phải chịu trách nhiệm trong việc này. Bí thư quận, huyện chịu trách nhiệm trước Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị UBND các huyện - quận, xã - phường - thị trấn tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào hoạt động kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí giúp chính quyền Thành phố giám sát thật chặt chẽ, cung cấp thông tin thật nhanh chóng, chính xác để xử lý kịp thời những sai phạm có liên quan trật tự xây dựng trên địa bàn.

“Chúng ta nhận thức rõ, việc này khó, đã kéo dài cả chục năm nay rồi nhưng nếu quyết tâm làm có thể làm được không? Cả hệ thống vào cuộc với hệ thống giải pháp mà các đồng chí đã bàn trong hội nghị hôm nay chúng tôi thấy có nhiều triển vọng làm được”. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định./.

Tin, ảnh:V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực