UNICEF tiếp tục phối hợp với Việt Nam chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Chủ nhật, 18/02/2018 22:19
(ĐCSVN) – Đó là phát biểu của ông Friday Nwaigwe, Quyền Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các thành tựu đã đạt được trong năm 2017 và các hoạt động ưu tiên trong năm 2018.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ một số thành tựu tiêu biểu trong năm 2017 mà UNICEF đã đạt được tại Việt Nam?

 Ông Friday Nwaigwe: Trong 2017, UNICEF đã đạt được rất nhiều thành công tại Việt Nam. Trong đó, chúng tôi xin chia sẻ 4 hoạt động mà chúng tôi thấy có đóng góp quan trọng nhất cho Việt Nam:

Thành tựu đầu tiên tôi muốn đề cập tới, đó là sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF trong việc xây dựng nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật Trẻ em, vì nó đưa ra hỗ trợ kịp thời để Luật Trẻ em có thể thực hiện đúng lúc, đã mang lại những sự hữu ích cho trẻ em tại Việt Nam.

Hai là, việc hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF trong việc xây dựng các đề án để phát triển Luật về công tác xã hội tại Việt Nam vì luật này khi ra đời sẽ tăng cường hệ thống công tác xã hội, nó sẽ có tác động tới nhiều người trong đó có trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Ba là, trong năm vừa qua, “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng, vì nó đưa ra cái khung về các hoạt động cũng như các mục tiêu cần phấn đấu tại các đô thị Việt Nam và sáng kiến này đang được thực hiện đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn là, trong năm 2017, chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Chính phủ trong quá trình tổ chức Hội nghị quốc gia, tham vấn về việc xây dựng đề án quốc gia về phát triển trẻ thơ toàn diện, nhằm mang lại những hỗ trợ chăm sóc, phát triển và bảo vệ trẻ em ngay từ những ngày đầu đời của trẻ.

Đó là 4 hoạt động tiêu biểu trong số những thành tựu mà chúng tôi đã đạt được trong năm 2017.

Ông Friday Nwaigwe, Quyền Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, UNICEF gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam?

 Ông Friday Nwaigwe: Về hợp tác nghiên cứu, UNICEF đã tiến hành rất nhiều các nghiên cứu tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ trẻ em, vấn đề bảo trợ xã hội, vấn đề dinh dưỡng, giáo dục hay vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các tổ chức hỗ trợ cũng như tham gia vào các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Ở mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Tôi xin chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi ở lĩnh vực bảo vệ trẻ em.

Ở lĩnh vực này, tôi có cơ hội được làm việc với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm hại, mua bán trẻ em, lao động trẻ em... đây là những lĩnh vực khá nhạy cảm, trong đó vẫn tồn tại những nhận thức hạn chế của xã hội. Một ví dụ cụ thể về nghiên cứu các rối loạn tâm thần và các vấn đề tâm lý xã hội của trẻ em, theo tôi, sự hiểu biết của xã hội đối với vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em ở Việt Nam vẫn còn rất hẹp, do đó sự quan tâm của xã hội, cộng đồng và gia đình còn ít khiến chúng tôi gặp vô vàn khó khăn khi tiến hành nghiên cứu.

Chúng tôi chỉ thu thập được rất ít số liệu về các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh niên Việt Nam. Các số liệu chủ yếu được tập trung vào những vấn đề tâm thần nặng như vấn đề rối loạn, lo âu hay trầm cảm. Những vấn đề như bức xúc, căng thẳng về tâm lý, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần lớn hơn thì chưa được quan tâm khiến chúng tôi khó có thể đưa ra được một bức tranh tổng thể đối với thực trạng này.

Về thuận lợi, chúng tôi có được sự hợp tác, tạo điều kiện của các cơ quan của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó chúng tôi cũng được tiếp cận với những văn bản, nghiên cứu đã được các tổ chức xã hội tiến hành trước đó, điều đó tạo thuận lợi cho chúng tôi có những nghiên cứu sâu sát hơn.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ trong năm 2018, UNICEF sẽ ưu tiên thực hiện những hoạt động gì?

 Ông Friday Nwaigwe: Năm 2018, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF, chúng tôi vẫn tập trung vào việc hỗ trợ các chính sách của Chính phủ, những chương trình, đề án cũng như việc tập trung cho việc hỗ trợ kỹ thuật tại các địa phương, trong đó tập trung nhiều đến các nhóm bị thiệt thòi, phải kể đến là các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường và vấn đề bảo vệ trẻ em.

Đối với những nhóm trẻ em thiệt thòi nhất như trẻ em sống ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, nhóm trẻ em khuyết tật và trẻ em nghèo trong nhóm trẻ em nhập cư sẽ được ưu tiên. Về các nội dung, chương trình thì UNICEF vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết đã đề ra, trong đó tập trung vào các mảng lớn như vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trong việc củng cố về hệ thống luật pháp và hành lang pháp lý liên quan đến thực hiện quyền trẻ em và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các xâm hại, bạo hành đối với trẻ em, tăng cường an sinh xã hội cho trẻ em.

Thứ hai, chúng tôi ưu tiên cho hỗ trợ Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, các đề án cũng như triển khai các hoạt động nhằm tăng cường việc chăm sóc toàn diện cho nhóm trẻ dưới 8 tuổi và đặc biệt là 1.000 ngày đầu đời để đảm bảo các em phát triển được một cách tối đa những tiềm năng của mình, vì chăm sóc đầu đời đóng một vai trò rất quan trọng trong cả quá trình phát triển của trẻ.

Một lĩnh vực nữa chúng tôi sẽ ưu tiên là vấn đề tăng cường các nhận thức của xã hội cũng như tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi Chính phủ, hợp tác với cả các tổ chức tư nhân trong vấn đề thúc đẩy quyền trẻ em Việt Nam. Chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động truyền thống như vấn đề xây dựng các chính sách nhằm cải tổ và tăng cường hơn nữa hiệu quả của các chương trình về chăm sóc y tế, dinh dưỡng cũng như vấn đề giáo dục cho nhóm trẻ em thiệt thòi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hoài Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực