Vì sao án hành chính còn tồn đọng nhiều?

Thứ tư, 31/10/2018 16:17
(ĐCSVN) – Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, bên cạnh số lượng án hành chính tăng đều qua các năm thì nguyên nhân chủ yếu là do sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính.

Tại phiên chất vấn sáng nay 31/10, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) xung quanh việc giải quyết các vụ án hành chính, nhất là những vụ án liên quan đến đất đai.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39%, trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài.

Nguyên nhân được Chánh án chỉ ra là do: Bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự thiếu vắng các chủ thể (cấp chính quyền) có liên quan trong việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án là rất phổ biến dẫn đến phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài...

Về giải pháp, đối với ngành Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, cơ quan này đã sắp xếp lại các Tòa án chuyên trách, tăng cường thẩm phán, nhất là cán bộ có năng lực cho các tòa hành chính, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn quốc.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 31/10. Ảnh: TH.

Đối với chính quyền các cấp, UBND các cấp, Chánh án TAND tối cao đề nghị phải chấp hành nghiêm quy định của Luật và Chỉ thị của Thủ tướng. Theo đó, phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân để đảm bảo quyền khởi kiện của họ, tham gia các phiên đối thoại, giải quyết các tranh chấp hành chính, các vụ kiện hành chính trước khi phải xét xử. Các cấp chính quyền phải có mặt tại phiên tòa theo đúng thành phần, đúng đối tượng, đúng yêu cầu của luật pháp. Mặt khác, khi bản án có hiệu lực thì phải thi hành nghiêm túc.

Dẫn chứng nhiều địa phương phản ánh, nếu như tất cả các vụ án hành chính mà Chủ tịch UBND tỉnh hoặc UBND huyện phải có mặt tại Tòa án thì sẽ không có thời gian làm việc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị: "Đã đến lúc, chúng ta phải tổng kết lại Luật Hành chính và tố tụng hành chính bởi thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp mà đã nỗ lực nhưng tình hình không được cải thiện thì có thể có điều gì đó không hợp lý trong quy định của Luật. Nếu không hợp lý thì có thể sửa chữa".

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, trong phiên chất vấn chiều ngày 30/10, trả lời câu hỏi của ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) về việc có hay không tình trạng thẩm phán e ngại khi giải quyết vụ án hành chính? Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận nguyên nhân chủ quan như ĐB Nguyệt nêu trên là có nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu và đã giảm dần. Bởi, hiện nay theo quy định của pháp luật không còn tình trạng Tòa án cấp huyện giải quyết các vụ án hành chính cấp huyện cũng như cấp xã, tất cả đã được đưa lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết nên tình trạng này đã được hạn chế rất đáng kể.

Tuy vậy, về phía Tòa án đã đặt ra một loạt các giải pháp để khắc phục những nguyên nhân chủ quan do lỗi từ phía Tòa án như: tăng cường thẩm phán cho đội ngũ giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán trong việc giải quyết vụ án hành chính và có một Chỉ thị rà soát tất cả các vụ án hành chính đang tồn đọng cần tập trung giải quyết để nâng cao tỷ lệ giải quyết này lên theo yêu cầu của Quốc hội.

Ngoài ra, Chánh án cũng thông tin thêm, ngành Tòa án thời gian qua đã áp dụng những giải pháp căn cơ khác là tăng cường đối thoại trong việc giải quyết vụ án hành chính.

Với giải pháp này, từ thực tiễn thí điểm mô hình trung tâm hòa giải, đối thoại tại một số Tòa án ở Hải Phòng và đang triển khai thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố khác, Chánh án cho hay đã tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật cũng như những thiếu vắng trong quy định của pháp luật. Cụ thể, khi đối thoại không nhất thiết phải có Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND tham gia đối thoại, chỉ cần người có thẩm quyền, nắm vững vụ việc tham gia đối thoại thì có thể tạo được sự đồng thuận./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực