Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương

Thứ hai, 09/09/2019 14:35
(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935.
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2-1930.
(Nguồn ảnh: baoapbac.vn)

Dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở ngoài nước thành phần như sau:

- Đảng bộ Bắc Kỳ: 2 đại biểu.

- Đảng bộ Trung Kỳ: 2 đại biểu.

- Đảng bộ Nam Đông Dương: 3 đại biểu

- Đảng bộ Lào: 1 đại biểu.

- Tổ chức Đảng ở Thái Lan: 3 đại biểu.

- Ban Chỉ huy ở ngoài: 2 đại biểu.

Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sang Liên Xô, vào học Trường quốc tế Lênin, trường dành cho cán bộ lãnh đạo các đảng công nhân trên thế giới. Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nõn đi Mátxcơva (Liên Xô) dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản.

Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh giá tình hình thế giới và trong nước, nêu bật những thành công của Liên Xô và phong trào cách mạng của nhân dân lao động nhiều nước trên thế giới, khẳng định chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử. Đối với Việt Nam, Đại hội kiểm điểm phong trào cách mạng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong những năm qua.

Đại hội nhận định hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục Đảng đã thành lập được cơ quan đầu não, nhiều đảng bộ tỉnh mới ở miền thượng du Bắc Bộ, Lào, lập các tổ chức cơ sở ở Cao Miên, đào tạo được nhiều cán bộ mới. Song hệ thống tổ chức liên lạc của Đảng vẫn chưa được thống nhất, tổ chức cơ sở Đảng chưa phát triển mạnh ở các vùng công nghiệp, đồn điền, mỏ, thành phần công nhân trong Đảng cần ít. Công tác tư tưởng, tuyên truyền, huấn luyện tuy đạt một số kết quả, nhưng còn thiếu sót.

Đại hội nhận xét phong trào cách mạng có tiến triển. Các cuộc đấu tranh của quần chúng ở Lào, Nam Kỳ, Trung Kỳ, khoảng hai năm qua đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau. Sự lãnh dạo của Đảng được khôi phục: “Trong khoảng hai năm nay Đảng ta lại chiếm địa vị ưu thế trong các cuộc tranh đấu có tính chất tổ chức của quần chúng”.

Nhận rõ ưu điểm và khuyết điểm của công tác Đảng, Đại hội nêu ra ba nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của toàn Đảng:

1. Phát triển và củng cố Đảng.

Đảng cần củng cố lực lượng hiện tại, tăng cường phát triển Đảng ở các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, kết nạp thêm nông dân và trí thức. Phải đưa thêm nhiều đảng viên xuất thân từ thành phần công nhân vào các cơ quan lãnh đạo, bảo đảm tính giai cấp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng được uỷ quyền đào tạo cán bộ dự bị mới cho Đảng. Để thống nhất về tư tưởng và hành động, các đảng bộ cần tăng cường phê bình và tự phê bình chống tả khuynh và hữu khuynh, giữ vững kỷ luật Đảng.

2. Thu phục quần chúng.

Đại hội coi thu phục rộng rãi quần chúng là nhiệm vụ trung tâm cơ bản, trước mắt của Đảng. Các đảng bộ phải bênh vực quyền lợi thiết thân của quần chúng, quan tâm đến các dân tộc thiểu số, thanh niên, phụ nữ và quần chúng lao động ngoại kiều; phải củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng, lợi dụng các hình thức công khai và nửa công khai để xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

3. Chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô, Trung Quốc.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, các dân tộc thiểu số, về Mặt trận Phản đế, Đội tự vệ, Cứu tế đỏ... và Điều lệ Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng của Đảng.

Đại hội quy định số lượng uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 người: nhưng trên thực tế bầu được 12 (còn 1 đồng chí do Đảng bộ Trung Kỳ cử sau) Lê Hồng Phong, Hoàng Đình Giong, Đình Thanh, Võ Nguyên Hiến, Nguyễn Văn Dựt, Võ Văn Ngân, Phạm Văn Xô (Đảng bộ Lào), Nguyễn Ái Quốc (dự bị), Thầu Xỉ (người Lào dự khuyết), Bùi Bảo Vân (dự khuyết)... Ban Thường vụ gồm 5 người, trong đó đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng thư ký (Tổng Bí thư) của Đảng, đồng chí Đình Thanh là dự bị Tổng thư ký. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, thống nhất được phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, tạo điều kiện để phong trào cách mạng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.

--------------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr. 344-348, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực