Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Trong buổi lễ, trước đại diện của các tỉnh Cao - Bắc - Lạng và đông đảo đồng bào Tày, Nùng, Dao, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh ủy nhiệm, tuyên bố thành lập Đội và vạch rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự; trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, đối với Đảng; hết lòng phục vụ nhân dân, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt quân thù; sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng; ra sức đoàn kết và nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh của quân đội cách mạng...
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên, trong đó có 4 người dân tộc Kinh, 20 người là dân tộc Tày, 8 người là dân tộc Nùng (1), 1 người dân tộc Mông, 1 người dân tộc Dao Tiền, có 28 người quê ở Cao Bằng, 2 người quê ở Quảng Bình, 1 người quê ở Lạng Sơn, 2 người quê ở Thái Nguyên, 1 người quê ở Thái Bình và hoàn toàn là nam giới. 34 đội viên là những đồng chí trung kiên nhất của các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng, một số trong đội quân Nam tiến; một số trong Cứu quốc quân, có người đã đi học quân sự ở nước ngoài về.
Đội trưởng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đồng chí Hoàng Sâm, Chính trị viên là đồng chí Xích Thắng. Đội có một chi bộ Đảng, gồm bốn đồng chí, làm hạt nhân lãnh đạo.
Vũ khí trang bị cho Đội có 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp. Hai ngày trước lễ thành lập có một số vũ khí gồm 1 súng tiểu liên do Mỹ sản xuất, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp nổ do ông bà Tống Minh Phương và anh em Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng. Đội có 500 đồng chi phí quân nhu.
Số lượng đội viên tuy ít, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, nhưng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam là "một đoàn quân gang thép, rắn chắc không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù”.
---------------
Chú thích:
1. Theo Cư Hòa Vần: Việt Nam trong thế kỷ 20: 19 Tày, 9 Nùng.
---------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.884-886, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.