Ẩm thực miền Trung - hương vị của một vùng đất tinh túy

Thứ bảy, 29/02/2020 17:43
(ĐCSVN) - Miền Trung đặc trưng khí hậu là nắng nóng gió Lào và mưa ẩm, địa hình hẹp chạy dài theo dãy núi Trường Sơn, một bên là biển Đông, chính vì vậy mà cuộc sống con người vùng đất miền Trung khá kín đáo, thâm trầm và đa dạng. Cùng với cuộc sống đa dạng này, là những lối ẩm thực có chiều sâu riêng biệt. Văn hóa ẩm thực là một phần văn hóa của một cộng đồng, nằm trong tổng thể các đặc trưng về tinh thần chủ đạo, lối sống, vật chất, tình cảm, diện mạo của cộng đồng dân tộc, thông qua gia đình, làng xóm, vùng miền, quốc gia… Nó tạo nên tính cách, lối sinh hoạt; phản ánh thói quen, niềm ưa thích của cộng đồng vùng miền đó.

Trải dài theo địa hình mảnh hẹp và chịu nhiều gió bão, lụt lội, mưa nắng thất thường, món ăn miền Trung có xu hướng đi vào chiều sâu, không phô trương. Cả dải miền Trung dài dặc, mỗi vùng đều có những đặc sản riêng biệt, không pha trộn, không lẫn với những vùng khác, mà du khách chỉ có thể được thưởng thức thực sự khi đặt chân đến những vùng miền đó.

Nói đến ẩm thực miền Trung, trước hết là ẩm thực xứ Huế. Vốn là đất cố đô, Huế có cách thức mời thưởng thức món ăn rất đặc biệt và đa dạng. Các món ăn được bày từng món, với các loại mắm gia vị ăn kèm được dọn riêng, như cách dọn bữa của cung đình xưa. Người Huế tỏ ra rất sành điệu trong việc ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên liệu mà còn cầu kỳ từ việc chế biến cho đến cách bày biện trang trí và thưởng thức. Mỗi món ăn đều được nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và quyến rũ. Ẩm thực Cung đình Huế là một trong những nét đặc trưng riêng của văn hóa ẩm thực Miền Trung. Nó không chỉ nổi tiếng bởi cách trình bày mà nó còn đặc sắc về hình thức. Những món ăn trong cung thời đó chỉ dành riêng cho vua chúa triều đình nhà Nguyễn ăn và rất cầu kì về phần chế biến cũng như cách trang trí. Vua ăn thì gọi là Ngự Thiện, dụng cụ ăn của vua gọi là đồ Ngự dụng, đội phục vụ vua ăn gọi là Đội Thượng Thiện.

Mỗi bữa phải từ ba muơi năm đến năm mươi món, trong đó phải có một món thuộc bát trân như: Nem công, Chả phượng, Da tây ngưu, Bàn tay gấu, Gân nai, Yến sào… Và món nào đặc biệt sẽ được liệt vào danh sách rồi truyền tiếp sang đời sau, cứ thế, món ăn cung đình Huế trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Một bữa ăn của người Huế như hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành với sự hài hòa đến mức tự nhiên giữa tính chất, mùi vị, màu sắc của các món ăn. Muốn mặn thì có vài chục vị ruốc, ngọt thì có một chuỗi các loại chè, béo thì có Bún bò, đắng thì có Cháo nấm tràm, cay thì dùng cơm hến…

Quảng Nam có mỳ Quảng, là món ăn rất đặc trưng của vùng đất này, Mỳ Quảng sinh từ đất Quảng đúng như tên gọi. Đây là món đặc sản dùng để mời khách, để giới thiệu nét văn hóa của người dân đất Quảng. Tuy nước dùng không nhiều như nước phở Bắc nhưng lại rất ngọt và đậm đà.

Nói đến các món ăn ở phố cổ Hội An, không thể bỏ qua món Cao lầu. Khi du khách đi bộ vòng quanh Phố cổ, sẽ thấy những quán ăn cổ kính, những cô tiếp viên mặc áo dài màu trầm và cái tên "Cao lầu" trong menu đứng cửa. Cao lầu từ lâu đã được nhắc đến như món ăn tiêu biểu góp phần làm nên cái hồn ẩm thực còn đọng lại nét xưa của phố Hội. Thực chất, món Cao là một món mỳ mà đã từ rất lâu được xem là món ăn đặc sản của Hội An. Cao lầu có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo và các loại rau sống. Cũng giống như món mỳ Quảng, Cao lầu được ăn với rất ít nước dùng. Một điểm đặc biệt của món Cao lầu đó là sợi mỳ có màu vàng ươm, do được trộn với tro củi tràm, được lấy từ mảnh đất Cù Lao Chàm. Du khách đặt chân đến đất Hội An, sẽ được cảm nhận không gian nhỏ nhắn và cổ kính nơi đây, rồi thưởng thức một bát Cao lầu thơm nóng, để thưởng thức phần nào hương vị của một vùng đất xưa tinh túy của Việt Nam.

 Văn hoá ẩm thực miền Trung (ảnh: dulichmientrung.vn)

Quảng Ngãi lại có những món ăn không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá Bống sông Trà, Chim mía, Kẹo gương, Mạch nha, Đường phổi và Món Don…

Còn Bình Định lại có bánh ít lá gai. Vị dẻo thơm, ngọt bùi của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy. Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh trông tựa như tháp Chàm cổ kính.

Cũng như ở vùng biển vào dịp trời yên bể lặng ta sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản gỏi cá Phường Mét (Mỹ Thắng), nhớ Gỏi cá thu. Gỏi cá thường dùng cá cơm, cá thu, cá rựa… xắt nhỏ lạng bỏ xương (trừ cá cơm) ướp với nước mắm ngon và gia vị, nhúng vào lẩu nước dấm, nước dừa đun sôi rồi vớt ra bát ăn với rau mùi, bánh tráng, nhấm tí rượu Bầu Đá, còn gì thú vị hơn.

Vùng đất Phú Yên có món bánh hỏi, loại bánh vắt từ gạo, rất đặc trưng, thơm ngon, ăn với lá hẹ và thịt ba chỉ cuốn. Phú Yên còn có bánh đa tráng mỏng, nướng đều, dọn ra ăn kèm gỏi hoặc các món cuốn.

Ẩm thực miền Trung khá phong phú đa dạng. Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính Cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản. Có ẩm thực sang trọng nhưng cũng có ẩm thực đường phố, không hề kém giá trị, kém hấp dẫn, ít ngon và ít bổ dưỡng hơn ẩm thực sang trọng.

Văn hóa ẩm thực miền Trung hội tụ cả hai loại ẩm thực trên một cách hài hòa và tinh tế. Tìm hiểu điều này, rất bổ ích đối với ai muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực Miền Trung nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Cầm Kỳ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực