Cách mạng tháng Tám: Ký ức của những người trong cuộc

Thứ sáu, 18/08/2017 22:47
(ĐCSVN) - 72 năm trôi qua, Cách mạng tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Và trong trang vàng lịch sử của Thủ đô mãi khắc ghi sự đóng góp và công lao to lớn của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu - những con người đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng tại Thủ đô, nơi mở đầu cho cách mạng tháng Tám.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trò chuyện với chiến sỹ cách mạng Việt Minh
thành Hoàng Diệu tại buổi gặp mặt diễn ra mới đây. (Ảnh: TH)

Những năm 1939, thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước. Sự đàn áp của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, trong đó có học sinh trường Bưởi. Tháng 9/1940, một tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. 4 năm sau, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp…Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội.

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã lôi cuốn được hàng vạn nam, nữ thanh niên Hà Nội và đồng bào cả nước nhất tề đứng dậy đấu tranh chuẩn bị và tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Và thật vinh dự, trong ngày 2/9/1945, hình ảnh Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu mãi được khắc ghi là lực lượng bảo vệ Lễ đài nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập.

Bác Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội; Thành viên cuộc họp Ủy viên Quân sự cách mạng và Thành ủy mở rộng quyết định Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945, hiện là Trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng thành Hoàng Diệu cho biết, thời điểm năm 1941-1942, bác đang học trường Bưởi, ở đây có tổ chức coi là tiền thân cách mạng tập hợp một số học sinh giỏi ở nội trú, qua các bài giảng hướng học sinh đến với tinh thần yêu nước và cách mạng, trau dồi ý thức dân tộc. Sau khi được thành lập vào tháng 8/1944, tại số nhà 46 Bát Đàn, các đoàn viên, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng từ hình thức thấp tới hình thức cao như: Rải truyền đơn, dáp áp phích, kẻ khẩu hiệu, treo cờ Việt Minh, tổ chức mít tinh quần chúng ở những nơi đông người… Đoàn thành niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng.

Theo bác Vân, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội với các hoạt động cách mạng có ảnh hưởng to lớn trong nhân dân, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu thực sự là lực lượng xung kích của cuộc vận động cách mạng ở Hà Nội, của cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 toàn thắng ngay tại nơi trung tâm đầu não của chính quyền thực dân. Cuộc khởi nghĩa không đổ máu đã tập hợp được 20 vạn nhân dân Hà Nội, trong đó chủ yếu là thanh niên, học sinh. Ở những thời điểm khó khăn nhất vai trò của thanh niên đã vô cùng rõ ràng, là nòng cốt để giành chính quyền.

Nhớ về những ngày này cách đây 72 năm, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945; Ủy viên Quân sự Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ đạo Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Nội; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết: “Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công là một dịp để tôi và bạn bè của mình ôn lại kỷ niệm sâu sắc nhất về một ngày lịch sử, ngày 19/8/1945. Đêm 14 và ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Riêng Hà Nội, Xứ ủy thấy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng phải thành lập ngay Ủy ban Quân sự để chuẩn bị khởi nghĩa”.

Tối 17/8/1945, sau khi phá thành công cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức (thân Nhật) nhằm ủng hộ chính quyền tay sai do Nhật mới dựng lên và biến nó thành cuộc mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng của ta; nhận thấy thái độ của Nhật án binh bất động, cố thủ trong doanh trại, Thành ủy Hà Nội ngay trong đêm đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết.

Tại cuộc họp, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử: Hà Nội sẽ tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Đối với quân Nhật, chủ trương của ta là giữ thái độ trung lập, cốt sao chúng không can thiệp vào công việc khởi nghĩa. Lực lượng khởi nghĩa chủ yếu là quần chúng cách mạng, có lực lượng cách mạng làm nòng cốt. Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, để ra quyết định như vậy, thật sự là cân não. Cuộc họp kéo dài suốt đêm, từ 8h tối hôm trước đến tận sáng hôm sau với 2 luồng ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thứ nhất là phải tiêu diệt địch, vì địch yếu rồi. Thứ hai là, phải chờ Trung ương. Cái khó nhất là chưa có chỉ thị của Trung ương. Dù vậy, không thể không quyết định, vì nếu chờ thì sẽ mất thời cơ. Đại tướng Nguyễn Quyết tâm sự: “Đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi khi đó, nếu không giành thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin đây là quyết định sáng suốt của mình cũng như tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào cách mạng. Nếu tuột mất cơ hội ngàn năm có một này rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào khi quân Đồng minh đến Hà Nội”.

Nói về bài học kinh nghiệm đặt ra trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết cho rằng, lực lượng quyết định làm nên thắng lợi chính là nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi.

Cùng quan điểm với Đại tướng Nguyễn Quyết, bác Vũ Oanh, nguyên Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; nguyên Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu kể lại: Cách mạng tháng Tám, khi Đảng chưa đứng ra công khai lãnh đạo, mới chỉ có 5 nghìn đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Chính nhân dân đã đẩy cách mạng đi tới thắng lợi. “Đại hội Quốc dân Tân Trào là Đại hội của đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Bác Hồ quy tụ, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu "Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi” – Bác Vũ Oanh nói.

Từ ý kiến của những người trong cuộc, chúng ta có thể thấy rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám với bài học chớp thời cơ và lấy dân làm gốc có ý nghĩa sâu sắc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Điều đó cũng đặt ra đòi hỏi trong thực tại và tương lai là Đảng phải hết sức trong sáng về đạo đức, minh bạch trong hành động để giữ được niềm tin của nhân dân, tạo nên sự nhất giữa ý Đảng và lòng dân./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực