Khắc phục ngay bệnh lười học tập lý luận chính trị

Thứ tư, 11/10/2017 17:10
(ĐCSVN) - Lãnh tụ V.I. Lênin, bằng nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đã đưa ra câu nói nổi tiếng, mang tính kinh điển cho loài người là: “Học, học nữa, học mãi”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”(1).

Thật vậy, học tập nói chung là quá trình tiếp thu cái mới, bổ sung, trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiểu biết, định hướng hành vi, vì thế nó cần được thực hiện trong suốt cuộc đời mỗi người. Theo đó, học tập lý luận chính trị (LLCT) là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách của mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phải thực hiện thường xuyên, lâu dài với ý thức và tinh thần tự giác cao. Học tập LLCT, người CB, ĐV được trang bị nền tảng cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để hình thành và phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học, tăng cường nhận thức tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vững chắc vào lý tưởng Cộng sản, phát huy năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kì mới.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng nêu rõ: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Lễ Bế giảng một lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.
(Ảnh: truongchinhtri.haiduong.org.vn).

Rõ ràng, việc học tập LLCT của mỗi CB, ĐV và tổ chức đảng luôn là việc làm cần thiết, cấp bách, là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một bộ phận không nhỏ CB, ĐV có nhận thức lệch lạc, chưa coi trọng việc học tập LLCT, có thể gọi đó là “bệnh” lười học LLCT.

Những biểu hiện của lười học tập lý luận chính trị

Lười học LLCT của CB, ĐV là biểu hiện thứ ba trong chín biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị được Đảng đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến nên dễ dàng nhận diện với những biểu hiện như:

Một là, không chịu học tập LLCT. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, không phải CB, ĐV nào trong tổ chức đảng cũng có nhận thức đầy đủ về học tập, nhất là về việc học tập LLCT, thường chỉ chú ý đến học tập chuyên môn, nghiệp vụ hoặc lĩnh vực ngành, công việc mà mình đảm trách, ít quan tâm hoặc không hề quan tâm đến học tập LLCT, coi học tập LLCT là việc học thêm, không có cũng không ảnh hưởng gì đến công việc của mình; thậm chí có đồng chí cho rằng đó là việc làm “vô ích” chi phối thời gian của công việc chuyên môn… Có những CB, ĐV thiếu tự giác, không chủ động đăng ký với cơ quan, đơn vị, tổ chức để được tham gia học tập LLCT. Thậm chí, có những CB, ĐV được cơ quan, đơn vị, tổ chức cử đi học LLCT nhưng cố tình trì hoãn hoặc xin thôi không tham gia học tập. Nặng nề hơn, CB, ĐV có sự tính toán, mưu lợi trong học tập, xin “nợ” việc học tập LLCT.

Tại tỉnh Hải Dương, sau khi Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ban hành ngày 23 tháng 02 năm 2017, quy định về “Điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng và trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng trong các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện” thì yêu cầu cấp bách đặt ra là phải hoàn thiện và chuẩn hóa tiêu chuẩn về LLCT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh; khi đó các CB, ĐV “nợ” tiêu chuẩn LLCT mới vội tìm đến lớp học(?!). Qua rà soát, có gần 300 trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện đương chức hiện đang “nợ” bằng Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính.  Do đó, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã phải mở bổ sung 04 lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính để đáp ứng nhu cầu học tập, đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho nhóm đối tượng này.

Hai là, học LLCT không nghiêm túc. Có không ít CB, ĐV thực hiện việc học tập LLCT chưa nghiêm, chiếu lệ, hình thức. Khi được tham gia chương trình học tập LLCT có biểu hiện “đánh trống ghi tên” (theo học một số kỳ học xin dừng hoặc bỏ để theo chương trình, công việc khác; hay cùng một lúc vừa học LLCT, vừa theo học chuyên môn nghiệp vụ hoặc tham gia lớp tập huấn); khi đơn vị, tổ chức triệu tập học tập, nghiên cứu nghị quyết Đảng, viện lý do xin vắng mặt, hoặc “có mặt” chỉ để điểm danh nên không chú ý lắng nghe báo cáo viên mà làm việc riêng, quên nhiệm vụ học tập, bài thu hoạch nội dung học tập nghị quyết làm không đến nơi đến chốn… Vì vậy, kết quả học tập LLCT của CB, ĐV không cao.

Ba là, không chấp hành tốt kỷ luật học tập LLCT. Một số CB, ĐV vi phạm quy chế học tập: bỏ học, bỏ thi, cá biệt có hiện tượng “nhờ học”, “nhờ thi”. Những trường hợp này trong nhiều năm qua đã được phát hiện tại cơ sở, đơn vị đào tạo, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Hải Dương. Có những CB, ĐV không chuyên tâm học tập, nói chuyện, làm việc riêng, vừa học vừa điều hành hoặc giải quyết công việc của cơ quan; không tích cực tham gia thảo luận, không nghiên cứu tài liệu và giáo trình trước khi đến lớp; làm bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu khoa học, báo cáo tốt nghiệp, thu hoạch thực tế… không tự giác, xuất hiện tình trạng quay cóp, sao chép… nên kết quả học tập LLCT của CB, ĐV không được như mong muốn.

Bốn là, học tập LLCT không thường xuyên. Học tập LLCT không theo quy định và tuần tự các loại chương trình được hướng dẫn mà bỏ qua, “nhảy cóc” các chương trình học tập, đào tạo và bồi dưỡng. Việc học tập LLCT đối với CB, ĐV và tổ chức được coi như hoạt động “mùa vụ”, không thực hiện thường xuyên và lâu dài. Đối với cá nhân, chỉ học tập LLCT ở các đợt học tập trung hay tập huấn; thiếu tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng lý luận ở những nội dung đã học vào thực tiễn công việc một cách thường xuyên. Họ quan niệm, việc học tập LLCT chỉ diễn ra ở trường. Đối với tổ chức đảng, chỉ cử CB, ĐV đi học LLCT khi có công văn của ngành, của cấp trên hoặc tổ chức, đơn vị đào tạo gửi đến, không chủ động lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV.

Năm là, học không đi đôi với hành. Nội dung học tập LLCT không được CB, ĐV gắn với thực tiễn về cách giải quyết công việc ở cơ quan, lĩnh vực, ngành hay đơn vị mình công tác; vẫn áp đặt ý thức chủ quan vào từng công việc cụ thể; cá biệt có những trường hợp đề cao ý thức chủ quan, phi lý luận khoa học dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả, thậm chí phương hại đến lợi ích của tập thể hoặc cá nhân khác.

Với ý thức học không nghiêm túc, gượng ép, đối phó, học cho xong của một số CB, ĐV ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập LLCT và hiệu quả giải quyết công việc. CB, ĐV lúng túng, xa rời chỉ đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đâu là nguyên nhân?

Hậu quả của việc lười học tập LLCT ở CB, ĐV ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: do "kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại"(2).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ, việc lười học LLCT của CB, ĐV là gốc của hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” (3). 

Lười học LLCT của CB, ĐV dẫn đến “mù tịt” về lý luận; do đó, dẫn đến mù quáng trong nhận thức, giải quyết công việc và thực hành nhiệm vụ hết sức khó khăn, thiếu hoặc kém hiệu quả. Lười học LLCT làm cho CB, ĐV không nắm vững đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Ngoại lệ còn xảy ra việc CB, ĐV hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết chỉ đạo của Đảng gây bất bình ngay trong nội bộ và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Rõ ràng, khi CB, ĐV “lười học tập hoặc học qua loa, đại khái, học đối phó, học cốt để lấy bằng còn xảy ra phổ biến”(4) sẽ không nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng nên gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện; thậm chí lập trường không vững vàng trước sự lôi kéo của các thế lực phản động cũng như có những tư tưởng và hành vi tiêu cực, sai lệch.

Lười học LLCT và học tập LLCT không đến nơi đến chốn dẫn đến hiện tượng chủ quan, duy ý chí, thậm chí nóng vội, phiến diện, cá nhân chủ nghĩa làm sai lệch bản chất của công việc. Vậy do đâu mà CB, ĐV lười học LLCT?

Đi tìm câu trả lời, có thể nhận thấy những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính CB, ĐV và tổ chức, cơ quan, đơn vị có người tham gia học tập LLCT.

Trước tiên, đối với người được học, phải học là CB, ĐV: Do xác định mục tiêu học tập chưa rõ ràng, mơ hồ về học tập LLCT, bằng lòng với học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, coi nhẹ học tập LLCT nên CB, ĐV không học tập vì mục tiêu trang bị lý luận khoa học, nâng cao hiểu biết, bổ sung kiến thức, phương pháp luận khoa học để phục vụ cho công việc thực tế của mình mà học để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt, cất nhắc, thăng tiến theo quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị; động cơ học tập không trong sáng nên quá trình học không tự giác, tìm cách học đối phó để qua.

Hai là, đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị có người tham gia học tập LLCT: Do nhận thức không đầy đủ, đúng về học tập LLCT của CB, ĐV nên chỉ quan tâm đến việc học tập chuyên môn, nghiệp vụ, không xây dựng kế hoạch học tập dài hạn và trước mắt cũng như lâu dài và cấp thiết đối với đơn vị, với từng CB, ĐV. Vậy nên, chưa tạo điều kiện thuận lợi để CB, ĐV yên tâm, tích cực học tập LLCT. Với người đi học LLCT, công việc phân công chưa hợp lý, không có sự hỗ trợ về thời gian, vật chất; thiếu thiện chí trong việc công nhận thành tích học tập (có đơn vị bỏ qua xét khen thưởng đối với CB, ĐV có thành tích được tặng giấy khen, bằng khen của Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Về học tập nghị quyết Đảng, có tổ chức, đơn vị, cơ quan chậm tiến hành, việc học tập nghị quyết chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, thiếu hiệu quả hoặc chỉ tổ chức học tập, triển khai khi có sự kiểm tra, nhắc nhở của cấp trên.

Nguyên nhân khách quan, trước hết, xuất phát từ tổ chức, cơ quan, đơn vị, đó là việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của các cấp còn chậm, muộn, không đúng chương trình, kế hoạch; tài liệu học tập, nghiên cứu và tham khảo còn thiếu; tổ chức chưa nghiêm túc, qua loa, đại khái nên CB, ĐV không nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia học tập nghị quyết.

Thứ hai, xuất phát từ cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT, do phương pháp thông tin, truyền tin và giảng dạy LLCT còn chậm đổi mới; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn khá nặng về lý thuyết, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, chưa hướng đến những nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, vị trí đảm nhận của CB, ĐV; giáo trình dù được đổi mới thường xuyên nhưng vẫn chưa kịp thời cập nhật những kiến thức mới của thực tiễn… nên chưa cuốn hút, hấp dẫn được CB, ĐV học tập. Thực tế này được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu” (5).

Giải pháp khắc phục

Từ nguyên nhân chủ quan và khách quan cho thấy việc lười học tập LLCT của CB, ĐV tiềm ẩn nguy cơ, hiểm họa rất lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để khắc phục, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, phải coi học tập nghị quyết, học tập LLCT là nhiệm vụ bắt buộc trong việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài. Mỗi CB, ĐV phải tích cực tham gia học tập nghị quyết, học tập LLCT, bố trí công việc hợp lý để tập trung cho việc học tập; chịu khó nghiên cứu tài liệu, giáo trình và liên hệ với công tác của bản thân.                              

Thứ hai, đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, ngành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dạy và học LLCT, cần tiếp tục quán triệt, triển khai các nghị quyết về học tập LLCT trong Đảng đối với CB, ĐV; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, nghiên cứu nghị quyết cũng như thực hành nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống đối với tổ chức Đảng và đảng viên.

Với công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng, đào tạo phải thường xuyên đổi mới, bám sát thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; công tác biên soạn tài liệu, giáo trình phải kịp thời, chính xác; thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung đầy đủ nội dung, cập nhật kịp thời thông tin mang tính thực tiễn, thời sự; để CB, ĐV thực sự nhận thấy lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn, để việc học tập LLCT thực sự là nhu cầu của CB, ĐV và tổ chức đảng.

Về cơ sở vật chất, cần tăng cường đầu tư cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức đào tạo và bồi dưỡng LLCT xứng tầm với công tác đào tạo cán bộ cho tỉnh. Bổ sung kịp thời, thường xuyên cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ dạy học để nâng cao hiệu quả giảng dạy và chất lượng của công tác đào tạo LLCT.

Thứ ba, đối với đơn vị, cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về học tập, bồi dưỡng LLCT của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương; sẵn sàng phối hợp với các ngành để tổ chức học tập nghị quyết, LLCT có hiệu quả; tham mưu cho lãnh đạo và tổ chức đảng, các đơn vị cấp trên để việc học tập LLCT của CB, ĐV đạt kết quả cao.

Chủ động xây dựng kế hoạch học tập; xây dựng tiêu chí chuẩn đầu ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, ĐV; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn chặt với nhu cầu xã hội, bồi dưỡng theo các chức danh nghề nghiệp giúp CB, ĐV nâng cao nhận thức, trình độ LLCT; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn. 

Cần quan tâm đội ngũ làm công tác tư tưởng của Đảng và đội ngũ chuyên trách đảm nhận công tác LLCT là cán bộ của ngành tuyên giáo, tuyên truyền, là cán bộ, giảng viên của các trường và đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT; có kế hoạch đào tạo, đào tạo gắn với sử dụng; thường xuyên đánh giá, rà soát, kiểm tra, xác nhận chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, giảng viên.

Trong công tác quản lý học viên, cần sự nghiêm túc, thưởng phạt nghiêm minh, đúng quy chế học tập.

Các giải pháp trên nhằm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lười học tập LLCT trong cán bộ, đảng viên./.

_______________

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.377.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 233-234.

(3), (5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22, 28.

(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.106.

 

 

Đỗ Thị Phương -
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực