Cũng tại Khởi nghĩa này, lực lượng vũ trang đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo – Đội Du kích Bắc Sơn đã hình thành, làm cơ sở để thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của Cứu Quốc quân, nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9-1940. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 1/9/1930, Đức tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Ngày 3/9/1939, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Đế quốc Pháp lúc này điên cuồng tiến công vào Đảng Cộng sản và các đoàn thể quần chúng. Ngày 29/9, Pháp bắt giam đồng chí Lê Hồng Phong tại Sài Gòn. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ thị cho tất cả các cấp bộ Đảng rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn để xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Thừa cơ nước Pháp thất thủ, phát xít Nhật tìm cách nhảy vào chiếm thuộc địa Đông Dương. Mặc dù chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã chấp nhận hầu hết yêu sách của Nhật, song, ngày 23-9-19 40, quân Nhật vẫn cho quân vượt biên giới Việt - Trung đánh chiếm Lạng Sơn, đồng thời đổ bộ lên Đồ Sơn.
Sau vài trận nhỏ, quân Pháp thất bại nặng nề. Một số lớn đầu hàng, số còn lại tháo chạy theo hướng Điềm He - Bình Gia - Bắc Sơn - Thái Nguyên, vứt bỏ cả súng đạn. Chính quyền ở các châu, phủ Lạng Sơn trên đường quân Pháp rút chạy cũng hoang mang, tan rã. Các tri châu Thất Khê, Điềm He, Tràng Định, Bắc Sơn đều chạy trốn. Tên đồn trưởng Pháp ở Bình Gia vứt súng, bỏ đồn, tháo chạy. Quần chúng thu nhặt súng đạn của quân Pháp, phục kích bắn trả.
|
Lược đồ Khởi nghĩa Bắc Sơn. |
Không bỏ lỡ thời cơ, một số đảng viên cộng sản vừa thoát khỏi Nhà tù Lạng Sơn chạy về Bắc Sơn, cùng Đảng bộ Bắc Sơn họp bàn và quyết định lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, thành lập Ban Chỉ huy khởi nghĩa.
20 giờ ngày 27-9-1940, lực lượng khởi nghĩa khoảng 600 người gồm: tự vệ, quần chúng các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh... chia làm ba mũi, nổ súng tiến công đồn Mỏ Nhài (châu lỵ Bắc Sơn). Trước khí thế của quân khởi nghĩa, tri châu và binh lính bỏ đồn tháo chạy. Ban Chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền đế quốc, hạ lệnh đốt sổ sách, giấy tờ của địch.
Ngày 28 và 29, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích tiêu diệt hoặc tước khí giới tàn binh Pháp ở Canh Tiêm, Sập Dì, Nà Ti, Thâm Thông.
Song, lực lượng khởi nghĩa phân tán, không thừa thắng tiến công địch và mở rộng địa bàn hoạt động. Giặc Pháp, sau khi đầu hàng phát xít Nhật, chấp nhận những yêu sách của Nhật, chúng cấp tốc điều quân trở lại Bắc Sơn đàn áp lực lượng khởi nghĩa. Thực dân Pháp đánh chiếm Mỏ Nhài, lập lại bộ máy cai trị ở Bắc Sơn. Không khí khủng bố lan tràn khắp châu Bắc Sơn.
Giữa lúc Ban Chỉ huy khởi nghĩa đang lúng túng tìm cách đối phó, Xứ uỷ Bắc Kỳ kịp thời cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên tăng cường lãnh đạo. Trung tuần tháng 10, Ban Chỉ huy khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ngày 13-10-1940, cuộc họp ở rừng Tân Hương để bàn về các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng Bắc Sơn. Qua thảo luận, Hội nghị quyết định: Tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, thu thập vũ khí để thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên.
Ngày 28-10, Ban Chỉ huy du kích tổ chức một cuộc mít tinh vũ trang tại trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhài, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố “Đội du kích Bắc Sơn” được thành lập và kêu gọi nhân dân ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa. Cuộc mít tinh bị quân Pháp đánh úp. Sau trận này, quân Pháp tiến hành chiến dịch khủng bố trắng lần thứ hai. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị thất bại, tuy chưa thành lập được chính quyền, chưa biết nắm chắc thời cơ để liên tục tiến công, mở rộng thanh thế, nhưng cuộc khởi nghĩa đóng một vai trò quan trọng: đã hình thành lực lượng vũ trang đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo (sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân); là tiền đề cho các hình thức đấu tranh của cách mạng Việt Nam; bài học về chọn thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi cách mạng1.
Từ đó, các địa phương đều ủng hộ phong trào Bắc Sơn, học tập Bắc Sơn để xây dựng lực lượng vũ trang, đợi thời cơ khởi nghĩa.
Trong thời gian tiến hành Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (tháng 5/1941), Đội du kích Bắc Sơn được giao nhiệm vụ cùng lực lượng du kích Pác Bó bảo vệ Hội nghị và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhận định về cuộc khởi nghĩa, Hội nghị cũng nhận định “Xem những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Bắc Sơn, giai cấp công nông đã có một tinh thần hy sinh và quyết liệt hơn ngày trước” 2.
Còn tại Lời kêu gọi hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, Đảng ta coi các chiến sĩ của Khởi nghĩa Bắc Sơn là những tấm gương sáng cần noi theo: “Anh em hãy nhớ lại lịch sử vẻ vang đầy hy sinh, phấn đấu của binh lính Đông Dương, của các chiến sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Sơn và Nam Kỳ! Anh em hãy mau mau đứng dậy vì đồng bào Tổ quốc giết lũ giặc tham tàn…”3.
Có thể khẳng định rằng, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giúp cho Đảng ta có thêm những kinh nghiệm thực tiễn quý báu và cơ sở lý luận cho đường lối đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc; là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng ta lãnh đạo tổng khởi nghĩa năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếng súng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước. Khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.
------------------
1. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, tập 2, trang 694-696.
2. Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 7, trang 116.
3. Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 7, trang 94.